Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đăng ký tham gia chương trình này bao gồm cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
“Có ngân hàng đăng kí gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền; có ngân hàng đăng kí giảm lãi suất từ 0,5 đến 1%; có ngân hàng thì đăng kí gói hỗ trợ lên đến 100 nghìn tỷ, hay từ 5 nghìn đến 7 nghìn tỷ đồng, tùy thuộc vào phần vốn của các ngân hàng. Cụ thể: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng kí hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là 100 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) là 35 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) là 15 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng khác như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đang thông qua Hội đồng quản trị nhưng chắc chắc sẽ tham gia. Tôi đánh giá, tại chương trình lần này các tổ chức tín dụng đều tham gia rất tích cực”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm từ 0,5 - 1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì các tổ chức tín dụng sẽ xem xét miễn giảm lãi tùy theo thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các tổ chức tín dụng không thiếu vốn, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.
Trước đó, tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bước đầu ghi nhận, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng...
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước, ước khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bởi dịch như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.