Hà Tĩnh tiêm phòng dịch tai xanh cho lợn. Ảnh: Công Tường- TTXVN |
Tổng số lợn mắc bệnh hiện đã gần 2.000 con. Trên 900 con đã bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng hơn 29.450 kg.
Trước đó, ngày 19/10, dịch tai xanh được phát hiện tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, sau đó lây lan sang ba xã khác của huyện này. Đến ngày 30/10, dịch tai xanh tiếp tục xuất hiện tại xóm Đông Nam, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh. Đến nay, tại xóm Đông Nam (xã Thạch Bình) cũng đã có 5 hộ bị phát hiện có dịch tai xanh ở lợn. 5 con lợn ở hai hộ gia đình này đã bị tiêu hủy.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Cẩm Xuyên, UBND thành phố Hà Tĩnh, Cơ quan Thú y vùng III, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã nhanh chóng phối hợp và tổ chức các cuộc họp tại huyện, xã có dịch để thông báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm; quán triệt, triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hoạt động phòng chống dịch tại cơ sở.
Các địa phương cũng tổ chức rà soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn và tổng đàn lợn tại xã có dịch, các xã tiếp giáp với xã có dịch để tiêm phòng bao vây ổ dịch bằng vắc xin tai xanh. Cùng với đó, các đơn vị chức năng tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh cho 100% số lợn thuộc diện phải tiêm hiện có tại các xã có dịch và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp, với nguyên tắc tiêm từ ngoài vào trong.
UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND các huyện, thành phố, xã có dịch xảy ra đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ mua hóa chất, vôi bột, vắc xin, chi phí tiêu hủy lợn ốm, chết, phục vụ công tác chống dịch.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tai xanh trên địa bàn. Sử dụng 429 lít hóa chất và 9.500 kg vôi bột để khử trùng, tiêu độc vùng dịch và khu vực liên quan. Lập chốt kiểm dịch, biển cảnh báo tại khu vực có dịch; thông báo tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn xã có dịch.Tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm và các biện pháp phòng chống dịch cho người dân biết để chủ động, hợp tác trong phòng chống dịch gia súc, gia cầm.