Trong đó, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) là một điểm sáng điển hình cho định chế tài chính chiến lược, nhà đầu tư mở đường, huy động nguồn lực đầu tư quan trọng của thành phố.
Ngoài các phương thức đầu tư truyền thống, HFIC được đánh giá là một đơn vị chủ lực đẩy mạnh đầu tư cũng như hợp tác với các nhà đầu tư khác để triển khai những dự án hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời, HFIC ưu tiên tập trung vốn vào dự án thuộc danh mục đầu tư công được Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua, dự án thuộc Chương trình đột phá của thành phố.
Nhà đầu tư mở đường
Theo thống kê, trong giai đoạn 2010 - 2016, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, với tổng mức đầu tư là 25.039 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư được tập trung vào các lĩnh vực then chốt cơ sở hạ tầng như hạ tầng đô thị chiếm 41%; hạ tầng giao thông (12%); giáo dục (24%); y tế (14%)... Đặc biệt, một số dự án tiêu biểu mà HFIC đã tham gia tài trợ tín dụng và đầu tư gồm: Hạ tầng kỹ thuật (Xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn, Nhà nước máy Thủ Đức, Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước...); y tế (Bệnh viện Chợ Rẫy, Ung Bướu, Bình Dân...).
Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Mặt khác, trong giai đoạn này, HFIC đã tích cực tham gia vào các dự án trọng điểm của thành phố, điển hình là chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị Thủ Thiêm với nguồn vốn 2.000 tỷ đồng; chương trình cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (1.000 tỷ đồng).
Để đạt được những kết quả trên, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC, cho biết HFIC đã không ngừng tăng cường tìm kiếm, đàm phán thu hút các nguồn vốn lớn với chi phí thấp; đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp và ổn định đối với các lĩnh vực ưu tiên của HFIC nói riêng, TP Hồ Chí Minh nói chung. Bên cạnh đó, HFIC chú trọng tìm kiếm những dự án cho vay an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Dư nợ bình quân cho vay giai đoạn 2010 - 2016 đạt mức 5.008 tỷ đồng, tăng 44% so với dư nợ bình quân giai đoạn 2005 - 2010 là 3.462 tỷ đồng.
Mặc dù đã thực hiện tốt vai trò là công cụ tài chính của TP Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, bước đầu xác lập chiến lược đầu tư hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư phát triển TP Hồ Chí Minh ngày càng lớn, yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tăng cường năng lực cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực, HFIC cần phát huy vai trò tiên phong, trở thành một định chế tài chính đặc thù.
Do đó, nhằm đáp ứng được những mục tiêu phát triển của TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Phú Quốc, cho hay, thời gian tới, HFIC xác định tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp được UBND TP Hồ Chí Minh chuyển giao; huy động vốn trong, ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các lĩnh vực trọng điểm của thành phố. Từ những định hướng trên, HFIC xác định phương châm hoạt động “Huy động nguồn lực - Kiến tạo hạ tầng”, luôn luôn nỗ lực chung tay cùng các doanh nghiệp xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị đáng sống, văn minh - hiện đại - nghĩa tình.
Cơ chế vốn đối ứng Theo các chuyên gia, HFIC phải phát triển quy mô đủ lớn, lĩnh vực hoạt động đủ rộng, có mô hình hoạt động và cơ chế quản trị tiên tiến để quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cũng như huy động vốn trong và ngoài nước. Trong đó, nâng cao năng lực chia sẻ trách nhiệm cùng với Trung ương và thành phố trong lĩnh vực huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và các lĩnh vực kinh tế thiết yếu trên địa bàn.
Trong thời gian qua, HFIC đã thực hiện tốt vai trò giúp UBND TP Hồ Chí Minh huy động vốn trên thị trường, cụ thể hơn 20.000 tỷ đồng thông qua phát động trái phiếu. Ngoài ra, một đồng vốn HFIC bỏ ra thì huy động được 4 đồng vốn tư nhân, thu về lợi nhuận từ 400 - 500 tỷ đồng/năm. Đồng thời, HFIC cũng thực hiện tốt đầu tư và bảo toàn vốn, đóng vai trò như một ngân hàng phát triển cơ sở tại địa phương.
Nếu so với tổng hệ thống quỹ đầu tư TP Hồ Chí Minh, HFIC chiếm tới 49%, vì vậy bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài Chính), cho rằng nên tạo nguồn vốn "mồi" dài hạn cho HFIC cũng như triển khai hiệu quả cơ chế vốn đối ứng, cần có cơ chế chính sách sẽ tạo điều kiện cho HFIC phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; trong đó, phải hình thành một khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng phát triển tại địa phương như HFIC.
Bà Phan Thị Thu Hiền đã nêu ra một số vấn đề như HFIC hướng đến mục tiêu huy động vốn cho địa phương để phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng cần nêu rõ phương thức triển khai như thế nào. Khi đánh giá kết quả, xây dựng định hướng mới, HFIC cần được gắn với định hướng chung của TP Hồ Chí Minh và Trung ương.
Theo TS.Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, khi mới ra đời thì mô hình của HFIC hoàn toàn mới và thời điểm đó vướng nhiều khó khăn do hạn hẹp trong huy động nguồn lực và quỹ đầu tư. Tuy hiện tại HFIC không chỉ sinh lời mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội, nhưng vẫn cần được tháo gỡ những hạn chế về nguồn vốn. Cụ thể, HFIC cần cơ chế đặc thù để có thêm nhiều công cụ tài chính để huy động nguồn vốn mà không bị ràng buộc bởi nợ công.
Hiện tại, TP Hồ Chí Minh còn doanh nghiệp Nhà nước nhưng chỉ chiếm 3,5% vốn Nhà nước thì quá ít, trong khi vai trò của HFIC lớn hơn, nên cần bổ sung vốn điều lệ cho HFIC để làm vốn đối ứng. Đồng thời, có cơ chế làm sao để sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước này để đầu tư huy động vốn, tạo điều kiện cho thành phố đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.