Anh Ngô Thế Ẩn, sinh năm 1995, tại ấp Ngã Tắc, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh vừa nhận được 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ cho biết, trước đó vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh đã phải sang Campuchia làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, khi làm việc ở Campuchia một thời gian ngắn thì dịch COVID-19 bùng phát mạnh, anh cùng với nhiều người lao động khác rơi vào cảnh thất nghiệp, buộc phải trở về địa phương, nhưng vẫn không tìm được công việc ổn định, thu nhập rất bấp bênh.
“Mong ước lớn nhất của tôi là có được số vốn nhỏ để ổn định làm ăn, phát triển kinh tế gia đình ngay trên mảnh đất quê hương nhưng gần như vô vọng. Tôi rất vui mừng khi được Hội Nông dân xã Long Thuận giới thiệu, vay được số vốn này rất thiết thực và kịp thời. Tôi sẽ sử dụng số tiền này để chăn nuôi bò và cố gắng chăn nuôi thật tốt để phát triển ổn định kinh tế gia đình”, anh Ngô Thế Ẩn chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Kiểm, sinh năm 1977, trú tại ấp Ngã Tắc, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào vài sào đất nông nghiệp. Trước kia gia đình bà thiếu trước hụt sau về vốn sản xuất và thêm vào đó phải lo tiền cho hai người con học đại học tại TP Hồ Chí Minh nên rất vất vả.
Bà Nguyễn Thị Kiểm cho biết, đến thời điểm hiện tại gia đình bà được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tổng cộng 125 triệu đồng; trong đó, vay hộ sản xuất khó khăn 30 triệu đồng, vay học sinh, sinh viên cho hai con đi học 95 triệu đồng. Với 30 triệu đồng, bà Kiểm về mua một con bò để dành nuôi sinh sản. Còn lại bà mua phân bón trồng hoa màu. Nhờ nguồn vốn vay này bà không phải đi vay mượn bên ngoài hoặc mua nợ phân bón với lãi suất 3%/tháng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho hay, Long Thuận là xã vùng sâu biên giới của huyện Bến Cầu, đời sống kinh tế người dân trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, nhất là sau dịch bệnh COVID-19.
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã giải ngân kịp thời nguồn vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến người dân, tạo điều kiện cho người dân khôi phục lại kinh tế của gia đình, góp phần ổn định phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn xã.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, để triển khai tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh rà soát, tổng hợp các đối tượng thụ hưởng để triển khai.
Sau khi nhận nguồn vốn gần 100 tỷ đồng của Trung trương phân bổ, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh giải ngân ngay cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, để các đối tượng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chống và kịp thời, tạo điều kiện cho các đối tượng trên địa bàn có nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong năm 2022-2023 nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là khoảng 500 tỷ đồng; nhu cầu hỗ trợ cho học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập là 4,6 tỷ đồng; nhu cầu vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là 116 tỷ đồng.
Quý I/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã giải ngân được trên 231 tỷ đồng. Trong số đó, cho vay hộ nghèo 2,1 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 3,3 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 9 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 102 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm với số tiền 69,7 tỷ đồng, cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 33,5 tỷ đồng, học sinh sinh viên 10,7 tỷ đồng….
Chương trình đã trở thành điểm tựa giúp người dân tạo sinh kế, củng cố phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh sinh viên học tập, cùng với đó vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa giữ chân được người lao động ở lại quê hương lập nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.