Điện Biên tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới

Tính đến tháng 6/2018, tỉnh Điện Biên vẫn còn 26 xã đạt dưới 5 tiêu chí của chuẩn xây dựng nông thôn mới, chiếm hơn 20% số xã đạt dưới 5 tiêu chí trong cả nước. Tỉnh Điện Biên đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu từ nay đến hết năm 2018 sẽ không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.

Ngày 26/5/2017, UBND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tổ chức Lễ công bố xã Noong Hẹt đạt chuẩn Nông thôn mới. Đây là xã thứ 3 của tỉnh được công nhận sau xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) và xã Thanh Minh (thành phố Điện Biên Phủ). Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Các xã dưới 5 tiêu chí còn lại nằm trên địa bàn 6 huyện nghèo của tỉnh, cụ thể: Huyện Điện Biên Đông còn 10 xã; Nậm Pồ còn 8 xã; Mường Ảng còn 4 xã; Tuần Giáo 2 xã; Mường Chà và Mường Nhé mỗi huyện còn 1 xã. Số tiêu chí bình quân/xã thuộc nhóm này là 3 tiêu chí/xã, chủ yếu là các tiêu chí về quy hoạch, tỷ lệ lao động có việc làm, quốc phòng an ninh, thủy lợi.

Theo ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là đối với các xã đạt dưới 5 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới, tỉnh Điện Biên sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm trong năm 2018. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung hướng vào các tiêu chí như: tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư và tiêu chí môi trường.

Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa được đặc biệt chú trọng. Trong đó, việc phân công nhiệm vụ cho các cấp, đoàn thể vẫn chưa được thể hiện rõ nét; vai trò đôn đốc, chỉ đạo từ các cấp chính quyền đối với các xã xây dựng nông thôn mới cũng chưa được sát sao; các phong trào như “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng chưa được quan tâm thực hiện.

Để đạt được kết quả cao trong phong trào xây dựng nông thôn mới, theo ông Trần Nhật Lam, tỉnh Điện Biên cần xây dựng ngay tiêu chí về thôn bản nông thôn mới, xây dựng thôn bản văn hóa mang màu sắc riêng của Điện Biên. Trong đó, tỉnh cần tập trung vào các yếu tố như: Phát triển sản xuất; văn hóa và an ninh nông thôn; môi trường…

Tỉnh cần tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện, phân công theo tiêu chí cho các hộ, đoàn thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu mới có hiệu quả rõ rệt. Tỉnh cũng nên chú trọng công tác khen thưởng để tạo động lực cho các xã thi đua xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, tỉnh cũng nên tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa cho công tác xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên, đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành 19/19 tiêu chí; 3 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (15-18 tiêu chí); 10 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 64 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 26 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Giai đoạn 2016 - 2018, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 4.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hơn 580 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 60 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép, vốn tín dụng, huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… Định hướng đến năm 2020, tỉnh Điện Biên phấn đấu có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí nông thôn mới.

Xuân Tư (TTXVN)
Hà Nam: Huyện Duy Tiên nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới
Hà Nam: Huyện Duy Tiên nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 10/6, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Nam được công nhận huyện đạt nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN