Để hiểu rõ hơn về cuộc điều tra này và tình hình doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Thạnh, Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng xung quanh nội dung này.
Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2022 đang được tiến hành, việc thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh gặp thuận lợi, khó khăn gì?
Điều tra doanh nghiệp là một trong các cuộc điều tra thống kê quốc gia được thực hiện hằng năm nhằm thu thập các thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp. Kết quả của điều tra này còn được sử dụng để tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Triển khai cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2022 (từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 30/5/2022) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Theo đó, những thuận lợi trong cuộc điều tra, đó là công tác thu thập thông tin đầu vào của doanh nghiệp đã được triển khai hàng năm (từ năm 2000 đến nay) với quy mô và mức độ khác nhau. Lực lượng điều tra viên, giám sát viên chủ yếu là công chức ngành thống kê có kinh nghiệm trong triển khai điều tra, nắm chắc nghiệp vụ, am hiểu nghiệp vụ thống kê và kế toán.
Cùng với đó, Cục Thống kê chủ động kết nối để tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thống kê và các sở, ngành liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Liên minh hợp tác xã, Bưu điện tỉnh… trong triển khai rà soát doanh nghiệp đảm bảo đủ số lượng đúng đối tượng điều tra; triển khai hướng dẫn nghiệp vụ và kê khai điều tra đến từng doanh nghiệp đóng trên địa bàn từng địa phương.
Điều tra doanh nghiệp năm 2022 tiếp tục được triển khai đến doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến nên mặc dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng cuộc điều tra vẫn bảo đảm diễn ra đúng theo yêu cầu về nội dung, cách thức và tiến độ thực hiện điều tra.
Theo đó, khâu thu thập thông tin được thực hiện bằng phiếu điện tử, doanh nghiệp tiến hành cung cấp thông tin và trả lời trên website. Đây là bước cải tiến cơ bản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian, nhân lực và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Điều tra doanh nghiệp năm 2022 sử dụng triệt để các dữ liệu hành chính, đặc biệt cơ sở dữ liệu của ngành thuế nhằm giảm thiểu các thông tin yêu cầu thu thập trong điều tra doanh nghiệp năm 2022.
Cùng với đó, sử dụng triệt để dữ liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp do ngành thuế cung cấp để giảm tải các thông tin cần thu thập trong phiếu điều tra. Toàn bộ các thông tin đã có trong báo cáo tài chính sẽ không được tiến hành thu thập trong phiếu điều tra doanh nghiệp năm 2022.
Bên cạnh những thuận lợi thì cuộc điều tra cũng có những khó khăn nhất định như: điều tra doanh nghiệp hàng năm là một trong những cuộc điều tra khó cả về tính chất phức tạp của thông tin thu thập, khó cả về tiếp cận đối tượng điều tra, với hàng chục loại phiếu áp dụng cho nhiều đối tượng doanh nghiệp và hợp tác xã khác nhau. Câu hỏi trong điều tra doanh nghiệp liên quan đến các nội dung về lao động, tài sản, vốn, doanh thu…, liên quan đến nhiều phòng ban chức năng của doanh nghiệp, thông tin có tính nhạy cảm.
Điều tra doanh nghiệp năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác tiếp cận đối tượng điều tra thu thập thông tin. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của tỉnh chiếm tỷ lệ lớn, thường xuyên thay đổi địa chỉ, trong khi việc cập nhật địa chỉ doanh nghiệp của các ngành quản lý doanh nghiệp chưa kịp thời.
Cùng với đó, việc thu thập thông tin theo hình thức trực tuyến, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng yêu cầu cao hơn so hình thức thu thập truyền thống bằng phiếu giấy, số lượng lớn các tài khoản truy cập song hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thống kê còn hạn chế, trong quá trình triển khai có thời điểm hệ thống bị quá tải, gián đoạn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ở Lâm Đồng chủ yếu loại vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên có nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện để tham gia cung cấp thông tin trực tuyến trên trang thông tin điện tử web-form…
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thu thập thông tin, có nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng hợp tác, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời. Điều tra viên phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục doanh nghiệp tự điền thông tin vào phiếu điều tra cũng như kiểm tra, xác minh và hỗ trợ hoàn thiện phiếu điều tra.
Vậy, những giải pháp mà Ban Chỉ đạo cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2022 tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện hiệu quả nhất là gì, thưa ông?
Những giải pháp trong tổ chức thực hiện điều tra doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đó là: tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về điều tra doanh nghiệp năm 2022; tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính như dữ liệu thuế, đăng ký kinh doanh.
Cục cũng phối hợp các ngành liên quan như thuế, kế hoạch và đầu tư cùng triển khai rà soát, xác định rõ địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, lập danh sách các doanh nghiệp còn hoạt động, tạm ngừng, ngừng chờ phá sản trên địa bàn tỉnh có đến 31/12/2021.
Do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc triển khai tập huấn trực tiếp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn Cục Thống kê phối hợp với ngành Bưu điện tỉnh và một số đơn vị dịch vụ kế toán có số lượng doanh nghiệp lớn tại các địa phương để triển khai hướng dẫn, cách thức, quy trình kê khai thông tin trực tuyến qua web-form đến từng doanh nghiệp, hợp tác xã; quá trình kê khai có sự phối hợp hỗ trợ từ lực lượng điều tra viên. Cùng với đó, điều tra viên thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình điền thông tin trên phiếu điều tra trực tuyến.
Đối với số lượng doanh nghiệp không triển khai được, sử dụng lực lượng điều tra viên được tập huấn kỹ lưỡng trực tiếp đến các doanh nghiệp để triển khai, hướng dẫn kê khai thông tin. Với những doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin và kê khai điều tra sẽ tổng hợp báo cáo có hướng xử lý phù hợp…
Dịch COVID-19 đã tác động ra sao đến hoạt động sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng?
Từ tháng 11/2021 cùng với cả nước, Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đến nay, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng hầu như đã khôi phục hoàn toàn. Tăng trưởng kinh tế Lâm Đồng khá ấn tượng, dự ước tốc độ tăng GRDP của quý I đạt 7,85% so cùng kỳ. Kinh tế phát triển ở tất cả các khu vực, nhất là khu vực dịch vụ (khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và bị ảnh hưởng rất nặng nề do dịch).
Đối với khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Quý I, giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 của khu vực này tăng 6,21% so cùng kỳ. Đặc biệt, đối với khu vực công nghiệp - xây dựng tăng khá, thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo trong và ngoài nước khởi sắc.
Ngành xây dựng tăng khá do trong quý các công trình đầu tư trên địa bàn từ trước đến nay không bị ảnh hưởng nhiều do dịch, tuy nhiên hiện nay chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh. Giá trị tăng thêm theo giá so sánh 2010 của khu vực này tăng 10,04% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp tăng 12,53%.
Đối với khu vực dịch vụ, đã hoàn toàn hồi phục nhất là trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, lượng du khách đến Lâm Đồng trong quý I tăng cao (đạt 1.245,8 nghìn lượt khách, tăng 26,3% so cùng kỳ), hoạt động du lịch tăng trưởng cao đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng của các ngành dịch vụ khác trên địa bàn như vận tải, ăn uống, vui chơi giải trí, lữ hành...
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Xin ông cho biết những khó khăn khu vực doanh nghiệp phải đối mặt và doanh nghiệp đã có giải pháp gì để vượt khó?
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của tỉnh, nhất là trong năm 2021. Cụ thể qua 4 quý trong năm 2021, khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến chế tạo cho thấy, chỉ số cân bằng của các quý sau so với quý trước đều giảm và giảm chủ yếu về khối lượng sản xuất; số lượng đơn đặt hàng mới; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.
Cùng với đó, các chỉ tiêu khối lượng thành phẩm tồn kho tăng; chỉ tiêu số lượng lao động bình quân giảm... Do đó, để tồn tại và vượt qua đại dịch phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn đã cắt giảm lao động, tiết kiệm chi phí, tích cực tìm kiếm thị trường nội địa...
Thưa ông, bên cạnh việc triển khai các giải pháp của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng có giải pháp riêng để hỗ trợ các đơn vị sản xuất và người lao động?
Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ, trong quá trình thực hiện, Lâm Đồng có những đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng để được hỗ trợ cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg phải đáp ứng thêm điều kiện vì vậy tỉnh đã linh động hỗ trợ đối tượng đặc thù của địa phương. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 cho 119.522 đối tượng, với số tiền là 179.283 triệu đồng.
Song song với đó, tỉnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kéo dài thời gian hoàn trả nợ vay với mục đích hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ đó, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đến nay, tuy dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, nhưng nhìn chung nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng yên tâm sản xuất, đồng tình, ủng hộ các chủ trương và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh.
Xin cảm ơn ông!