Giới chuyên gia dẫn một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại tệ toàn cầu chiếm gần 62%, nhiều gấp 2 lần tổng tài sản nước ngoài bằng euro, yên và Nhân dân tệ (NDT). Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng JP Morgan Chase Jim Glassman cho rằng việc tích trữ USD ở nước ngoài là hậu quả của sự mất cân bằng thương mại và, mặc dù được coi là công cụ để bảo vệ khỏi các điều kiện làm rối loạn thị trường, song đây không phải là một bằng chứng cho niềm tin vào đồng USD.
Ông giải thích tình trạng mất cân bằng thương mại góp phần tăng cường đồng nội tệ của các nước đang phát triển, khiến xuất khẩu từ đó trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới. Để tránh điều này, các thị trường mới nổi thường tái đầu tư giá trị thặng dư vào các tài sản bằng đồng USD, ví dụ như trái phiếu được định giá bằng USD giao dịch trên thị trường Mỹ.
Tác giả của báo cáo JP Morgan cho biết trong những thập kỷ tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển từ sự thống trị của Mỹ và đồng USD sang một hệ thống với châu Á có quyền lực nhất. Trong không gian tiền tệ, điều này có nghĩa là đồng USD có thể trở nên rẻ hơn so với những loại tiền tệ khác, bao gồm cả vàng.
Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong năm 2018, tỷ lệ đồng bạc xanh trong dự trữ quốc tế đã giảm xuống còn 61,7% - mức thấp nhất trong 20 năm qua. Trong báo cáo tháng 6, ECB lưu ý đồng USD vẫn là đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong dự trữ ngoại hối, nhưng vị thế thống trị của đồng tiền này bị lung lay đáng kể khi giảm 7% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 sau khi dự trữ đồng USD đã tăng đến mức tối đa.
Năm 2018, các nước đang phát triển đã tích cực mua đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ, trong đó có Nga. Tuy nhiên, sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Moskva đã bán ra 100 tỷ USD và mua gần 90 tỷ euro và NDT. Argentina, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bán các tài sản trị giá khoảng 200 tỷ USD. Một số nước rất cần tiền mặt để ổn định tiền tệ của mình, những nước khác từ bỏ tài sản của Mỹ vì có mâu thuẫn với Washington.
Theo JP Morgan, sự suy giảm toàn cầu sẽ bắt đầu vào cuối năm 2019 và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không thể đảo ngược xu hướng này trong bất kỳ trường hợp nào. Các nhà phân tích của một trong những ngân hàng lớn nhất của Phố Wall cho rằng Mỹ sẽ sẽ phải đối mặt với kịch bản đồng USD giảm giá trong nhiều năm liền, nhiều khả năng viễn cảnh này sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2020.
Nhà tài chính Ulf Lindahl, người đứng đầu A. G. Bisset Associates, chuyên nghiên cứu thị trường tiền tệ, lưu ý rằng tỷ giá đồng USD vẫn giữ ở mức kỷ lục trong 30 năm qua. Tuy nhiên, ông Lindahl chắc chắn rằng tình hình sẽ sớm thay đổi và đồng USD sẽ bước vào giai đoạn giảm dài hạn. Theo nhà tài chính này, trong 5 năm tới, đồng tiền của Mỹ sẽ mất giá 40% so với đồng euro.