Theo ghi nhận, một số doanh nghiệp thông báo dự kiến nối lại sản xuất, đón công nhân trở lại nhà máy. Tuy nhiên, để đón công nhân trở lại làm việc, doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm ngay từ bây giờ.
Tái sản xuất - nhiều việc phải làm
Mới đây, tỉnh Bình Dương vừa ban hành công văn hướng dẫn người dân được ra đường, đi lại làm ăn, tham gia sản xuất sau khi tỉnh trở lại “bình thường mới” đã thu hút sự chú ý.
Theo đó, tỉnh Bình Dương yêu cầu người lao động trước khi vào nhà máy sản xuất phải được xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng test nhanh (hoặc bằng PCR), có kết quả âm tính vào ngày thứ nhất và ngày thứ tư. Khi vào công ty phải được bố trí tại nơi cách ly tạm thời ít nhất 3 ngày, xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính vào ngày thứ ba. Lúc này người lao động mới được tham gia sản xuất. Đồng thời, 100% công nhân, người lao động tham gia sản xuất phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày.
Đối với doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện nghiêm 5K trong thời gian tổ chức sản xuất. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp cần test nhanh 7 ngày/lần cho người lao động..
Ngoài ra, Sở Y tế Bình Dương còn yêu cầu truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, cách ly tạm thời, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định; nếu kết quả PCR âm tính quay trở lại sản xuất bình thường. Nếu kết quả PCR dương tính, tạm thời phong tỏa phân xưởng khu vực hay toàn công ty và thông báo cho trung tâm y tế để có hướng xử lý. Còn đối với công nhân, người lao động trước khi rời công ty về nơi ở nơi trọ phải thực hiện test nhanh COVID-19.
Còn theo Sở Công Thương Bình Dương: Doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại phải tiến hành sàng lọc bảo đảm an toàn COVID-19 một cách triệt để, thực hiện theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm với 100% người lao động. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động phải tự xét nghiệm hoặc thuê đơn vị dịch vụ để kiểm soát đầu vào, bảo đảm 100% người lao động có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 sau 14 ngày hoặc đã tiêm 2 mũi.
Làm gì để “vượt bão COVID”?
Theo ghi nhận tại Công ty TNHH Motomotion Việt Nam chuyên sản xuất nội thất tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, công ty thực hiện "3 tại chỗ" bắt đầu từ ngày 18/7/2021 với trên 1.000 công nhân.
Ông Jack Xu, Tổng giám đốc Công ty Motomotion Việt Nam cho biết, thời gian đầu, việc ăn, ở của công nhân tại nhà máy còn nhiều khó khăn, bất tiện. Thế nhưng, trải qua 3 tháng ăn ở và làm việc cùng nhau, các công nhân đã quen và dần đi vào ổn định. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh thu của công ty trong năm 2021 mới đạt hơn 54% so với kế hoạch đề ra.
Ông Jack Xu đánh giá cao các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ cũng như của tỉnh Bình Dương. Công ty luôn sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền tỉnh Bình Dương trong phòng, chống dịch. Nhờ đó, đơn vị đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế trong quá trình thực hiện "3 tại chỗ" nên đến thời điểm này, công ty chưa có ca mắc COVID-19 nào. Dự kiến kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021-2022, công ty đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất để tạo việc làm cho hơn 6.000 công nhân. Tuy nhiên, kế hoạch trên chưa thể thực hiện được do vướng một số vấn đề khách quan liên quan tình hình dịch bệnh.
Còn tại Công ty Gunzetal Việt Nam vốn đầu tư nước ngoài chuyên về sản xuất nguyên phụ liệu hàng may mặc đóng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã thực hiện “3 tại chỗ” (cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất) cho hơn 100 công kể từ 28/6 đến nay. Sau hơn 3 tháng hoạt động theo mô hình “ 3 tại chỗ” tại Công ty Gunzetal Việt Nam đã không xảy ra dịch bệnh.
Theo đại diện Công ty Gunzetal Việt Nam, kinh nghiệm “vượt bão” COVID-19 là thực hiện khoá chặt không thu nhận người, khách hàng đến công tác tại nhà máy sau khi thực hiện "3 tại chỗ". Tất cả hàng hoá đều được khử khuẩn trước khi vào công ty.
Tuy nhiên, theo Công ty Gunzetal Việt Nam sau khi trở lại “bình thường mới” sẽ vẫn còn những rủi ro. Cụ thể, khi trở về trạng thái bình thường chắc chắn công ty sẽ thiếu hụt lao động và phải tuyển thêm nhân công mới để phục hồi sản xuất. Việc kiểm soát hậu “3 tại chỗ” có thể phát sinh những rủi ro về yếu tố dịch bệnh. Vì thế, công ty sẽ tăng cường yêu cầu người lai động phải thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch. Công ty tiếp tục thực hiện tốt 5K và yêu cầu công nhaanh hạn chế đi lại sau khi trở về gia đình. Đặc biệt, công ty mong muốn công nhân sớm được tiêm vaccine mũi 2 để tham gia sản xuất được bảo đảm an toàn.
Ông Đỗ Quang Trung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nitto Denko đóng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (VSIP I), cho biết doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ khoảng 3 tháng nay với 1.000 nhân viên. Ngay từ đầu, doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch một cách chi tiết để kiểm soát; trang bị hàng trăm phòng tắm máy nước nóng và trên 60 máy giặt sấy các loại để hỗ trợ người lao động.
Theo ông Trung, điểm mấu chốt trong phòng chống dịch là mỗi nhân viên cần giữ khoảng cách và tuân thủ đeo khẩu trang sẽ đảm bảo hạn chế lây nhiễm bệnh.
"Từ khi thực hiện "3 tại chỗ", công ty đảm bảo thực hiện các quy trình phòng chống dịch và hơn 90% công nhân được tiêm vaccine mũi 1 đã giúp người lao động an tâm sản xuất. Tuy nhiên, mong muốn nhất hiện nay của công nhân là tiêm đủ 2 mũi vaccine để có thể trở lại hoạt động “bình thường mới”", ông Đỗ Quang Trung cho hay.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3.197 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", "3 xanh" với 264.621 lao động.