Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng

Những biến động của thị trường giá cả và các nhận định không lạc quan về nền kinh tế đã khiến người tiêu dùng dè dặt trong chi tiêu, có xu hướng chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Bởi vậy, dù doanh nghiệp không ngừng nỗ lực đẩy mạnh kênh phân phối, bán hàng để vượt khó nhưng sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường vẫn khá trầm lắng.

 

Sức mua kém


Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 5/2012 tăng 0,18%, đưa CPI của 5 tháng đầu năm tăng 2,78%. Trong đó, CPI tháng 5/2012 của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,06% so với tháng trước, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010.

 

Người tiêu dùng mua sắm hàng bình ổn giá tại siêu thị Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

 

Khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy, nhu cầu tiêu dùng nội địa trong 5 tháng đầu năm rất yếu, với người thường xuyên sử dụng kênh mua sắm là siêu thị thì có đến 40% được khảo sát cho biết tần suất đi siêu thị của họ đang giảm dần và chỉ có 20% tăng tần suất; khách hàng mua sắm ở chợ có 27% giảm số lần đi chợ và khoảng 20% duy trì. Do đó, không chỉ các tiểu thương ở chợ mà nhiều hệ thống siêu thị cũng đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa khó tiêu thụ do sức mua trên thị trường bị sụt giảm.


Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do không khí buôn bán diễn ra kém sôi động, hàng hóa ế ẩm, nên một số tiểu thương giảm lượng nhập hoặc đóng cửa sạp tạm thời ngừng bán. Tại một số chợ như Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Tân Định (quận 1)..., lượng sạp tạm nghỉ kinh doanh ở các ngành thực phẩm tươi sống, gia vị, hàng ăn uống chiếm tỉ lệ cao (khoảng 20%). Tiểu thương tại chợ cho biết, nếu trước đây, thời gian bán hàng diễn ra vào buổi sáng và buổi chiều, thì hiện nay phải bám chợ bán cả ngày mới mong hết hàng. Để duy trì hoạt động, nhiều tiểu thương phải cung cấp hàng cho các nhà hàng, quán ăn, còn khách vãng lai thì rất ít.


Tương tự ở các chợ đầu mối như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền..., tình hình buôn bán, tiêu thụ hàng hóa cũng gặp khó khăn, nên thương nhân phải kéo dài thời gian hoạt động để bán hết hàng. Bà Thanh Hồng, thương nhân kinh doanh mặt hàng rau củ, quả tại chợ Thủ Đức cho biết: Hiện tại mặt hàng này có sức tiêu thụ chậm, một phần do tác động chung của thị trường và một phần bị ảnh hưởng bởi những thông tin bất lợi từ chất lượng hàng hóa Trung Quốc làm cho tiểu thương e ngại, dẫn đến tình trạng giảm lượng hàng nhập, thậm chí không lấy hàng.


Thông tin từ nhiều hệ thống siêu thị, những tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đã có sự giảm sút tăng trưởng lợi nhuận đáng kể, mặc dù các nhà bán lẻ liên tục triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, nhưng cũng không thu hút được người dân. Nhiều khách hàng mua sắm tại siêu thị chia sẻ vẫn rất quan tâm đến các hoạt động giảm giá, khuyến mại, nhưng cũng cân nhắc và ưu tiên chọn lựa những sản phẩm thiết yếu, cần thiết trong đời sống hàng ngày.

 

Tổ chức lại hệ thống phân phối


Để bán được hàng, doanh nghiệp phải tổ chức lại hệ thống phân phối cho phù hợp. Doanh nghiệp sau khi tiếp cận thị trường mới cần phát triển các đại lý, thành lập những điểm bán hàng gần chợ truyền thống và liên kết với những đơn vị khác để bán hàng chung tại hệ thống phân phối. Trong thời gian qua, việc phát triển hệ thống phân phối chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức.


Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành cho biết: “Qua kết quả điều tra của Liên Thành, một trong những lý do tiểu thương và người tiêu dùng không mua hàng là do họ không nhận biết được thương hiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp phải đẩy mạnh khâu tiếp cận khách hàng, tăng sự nhận biết cho sản phẩm thông qua việc kết nối, thông tin, trao đổi trực tiếp và chia sẻ lợi nhuận với đơn vị bán lẻ sản phẩm”.


Theo ông Hồ Minh Chính, chuyên gia của Trung tâm đào tạo bán hàng chuyên nghiệp KAS, việc tăng cường đưa hàng hóa vào chợ truyền thống và xây dựng kênh phân phối bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm. Ưu điểm của chợ truyền thống là có độ bao phủ rộng, dễ dàng thực hiện các chương trình quảng cáo và giới thiệu sản phẩm, giá thuê mặt bằng rẻ... Đồng thời, tiểu thương ở chợ truyền thống rất mong muốn liên kết, liên doanh với doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, chế độ chăm sóc khách hàng tốt (thông tin, khuyến mại, dịch vụ giá trị gia tăng...). Tuy nhiên, để đưa được hàng vào chợ truyền thống và xây dựng được mạng lưới phân phối, doanh nghiệp phải có chiến lược tổ chức truyền thông, hỗ trợ nghiệp vụ kinh doanh và tận dụng được uy tín bán hàng lâu năm của tiểu thương trong việc giới thiệu sản phẩm...


Tuy không có phương thức chung cho tất cả doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh khâu bán hàng, nhưng nếu doanh nghiệp chủ động rà soát lại hoạt động kinh doanh, cơ cấu hệ thống phân phối thì sẽ đưa ra giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn.


Mỹ Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN