Thờ ơ, thụ động
Ông Nguyễn Đình Trường, thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, cho biết, ở Việt Nam có những DN đầu tư lớn sản xuất nguyên phụ liệu nhưng vẫn không được biết đến nhiều. Thực tế hiện nay các DN ít có sự phối hợp giữa DN sản xuất nguyên liệu phụ trợ và xuất khẩu trong chuỗi sản xuất đã dẫn đến hệ quả ngành dệt may mặc dù được đánh giá cao nhưng giá trị gia tăng lại thấp.
Doanh nghiệp dệt may cần liên kết lại với nhau để cùng phát triển bền vững hơn |
"Nguyên nhân do trong một thời gian dài DN ta chỉ chủ yếu gia công, ít phải phải cạnh tranh nhau nên nhu cầu liên kết kém. Trong khi đó các Bộ, ngành không tham gia nhiệt tình hướng dẫn, không ít lãnh đạo DN thiếu quyết tâm tìm những giải pháp thiết thực hợp tác với đối tác”, ông Trường cho hay.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD vải, 1,2 triệu tấn sợi. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hầu hết các DN dệt may trong nước chủ yếu lại nhập vải, sợi vào để gia công xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu hoạt động. Điều này chứng tỏ sự kết nối, liên kết giữa DN trong nước còn yếu kém đã dẫn đến hệ quả nơi "ăn không hết", chỗ "lần chẳng ra". Việt Nam có nhà máy sản xuất nhưng các DN không chịu liên kết mà chỉ "chăm chăm" gia công, không hợp tác với DN sản xuất nguyên liệu trong nước mà chỉ thụ động "cậy nhờ" nguyên liệu vào các đối tác nước ngoài.
" Bản chất của liên kết chuỗi phải có ràng buộc, phải xuất phát từ lợi ích kinh tế cũng như động lực để liên kết chuỗi từ sự tin tưởng, những thỏa thuận về giảm giá, mua lại phần nguyên phụ liệu sử dụng không hết... Liên kết chuỗi phải có sự ràng buộc, tin tưởng và trung thành với nhau thì mới bền vững. Mới đầu có thể là bạn hàng, sau đó đầu tư vào cho nhau cùng nhau nâng cao giá trị, giúp nhau cùng phát triển. Nếu các DN trong nước vẫn cứ manh mún, mạnh ai nấy làm, nghi ngờ lẫn nhau sẽ chỉ làm hại nhau, mãi ôm phận gia công, bán sức lao động, giá trị thấp", ông Trường bức xúc.
Các DN cho biết, khi thực hiện các đơn hàng gia công, thông thường khách hàng chỉ định luôn công ty cung cấp để DN mua nguyên liệu và thường có nguồn gốc từ Trung Quốc vì nguồn cung nguyên liệu tại đây rất phong phú. Ngoài ra, một số khác chỉ định mua nguyên liệu tại công ty họ có đầu tư hoặc sân sau. Tuy nhiên, với cơ hội muốn hưởng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại, kinh tế điều kiện tiên quyết nguyên liệu phải được mua tại Việt Nam.
"Chúng ta không có nhiều DN sản xuất vải nên rất dễ tìm đến, điều cần làm ngay lúc này là DN may và sản xuất vải phải gặp nhau, thử mẫu. Sau đó đến bước khó nhất là thuyết phục người đặt hàng kiếm vải từ nguồn trong nước. Biết là khó thuyết phục nhưng chúng ta không được nản lòng mà phải kiên trì hướng mục tiêu đến năm 2018, DN may mặc yên tâm có nguồn cung nguyên liệu tại chỗ cho chế biến xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định", ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty 28 phân tích.
Mục tiêu sống còn Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong các Hiệp định thương mại, kinh tế là tạo cơ hội để DN đầu tư vào khâu thượng nguồn sản xuất vải và phụ liệu. Do đó các DN dệt may cần liên kết với nhau bắt đầu từ những hành động thiết thực. Cụ thể thay vì gia công như thời gian trước, may mặc phải thực hiện những đơn hàng FOB thực sự (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), từng bước hạn chế việc xuất khẩu qua khâu trung gian và khách hàng lo toàn bộ phần nguyên phụ liệu.
Ông Nguyễn Đình Trường, thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến cho biết, Việt Tiến vừa mới chọn nguồn cung phụ liệu là một DN trong nước đã đầu tư 25 triệu đô la Mỹ, chuyên sản xuất khóa kéo cung cấp cho Nike, Adidas. Còn bà Nguyễn Thị Điền, TGĐ Công ty TNHH may thêu giày An Phước cũng cho hay mặc dù hiện nay DN đang sử dụng 100% nguyên liệu vải nhập khẩu nhưng trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều vào các hiệp định thương mại tự do, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các nguyên phụ liệu nội địa để tận dụng được các ưu đãi cũng như cạnh tranh tốt hơn.
"Thực tế hầu hết DN ngành dệt may Việt Nam là vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, khâu phát triển mẫu mã còn kém, giá bán cao, nên dù cơ hội đến từ các hiệp định thương mại kinh tế song phương, nhưng để ưởng lợi là điều không hề dễ dàng. Do vậy để tận dụng tốt hơn cơ hội, bản thân mỗi DN phải chủ động củng cố nội lực, hợp tác với DN trong ngành, tạo sự cộng hưởng về năng lực cạnh tranh với DN các nước. Cơ hội chỉ có trong thời gian từ nay đến năm 2020 và sau đó sẽ giảm dần. Vì thế hơn bao giờ hết ngay từ lúc này các DN phải hạn chế suy nghĩ đến lợi ích riêng, hướng đến cái chung là sự phát triển lớn mạnh, bền vững chung của toàn ngành", ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty 28 cho hay.