Những ngày đầu tiên của năm mới 2012, kể cả khi các cơ quan, công sở được nghỉ lễ thì những công nhân ngành dệt may, ngành hàng dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu vẫn miệt mài lao động, thậm chí không nghỉ Tết để chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2012.
Sôi nổi khí thế sản xuất thi đua
Lễ phát động thi đua lao động sản xuất và ra quân làm hàng xuất khẩu đầu tiên của Tổng công ty May 10 được tổ chức vào ngày 2/1, tức là ngày nghỉ Tết Dương lịch của cán bộ công chức. Nhưng, có mặt tại Tổng công ty May 10, chúng tôi không cảm nhận thấy không khí nghỉ ngơi ngày Tết.
Dây chuyền may complete xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam). Ảnh: Hà Thái - TTXVN |
Từ 6 giờ 30 phút sáng, mặc dù trời còn chưa sáng rõ mặt người, mặc dù trời rét đậm do có gió mùa đông bắc bổ sung nhưng bãi để xe của Tổng công ty đã chật cứng xe cộ, trong các phân xưởng may, dệt... tiếng máy vẫn chạy đều không nghỉ. Cũng không phải vì trời rét và đang là ngày nghỉ lễ mà có chuyện công nhân đến muộn giờ. Từ rất sớm, hàng trăm công nhân của các đơn vị thành viên đã có mặt đông đủ tham gia lễ phát động thi đua và bắt tay ngay vào việc sản xuất sau đó. Cùng với lễ phát động tại trụ sở chính của Tổng công ty, các công ty thành viên của May 10 “đóng quân” tại các tỉnh như: Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình… cũng đồng loạt ra quân sản xuất kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 cho biết: “Hàng năm, vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Tổng công ty đều tổ chức lễ phát động thi đua nhằm tạo khí thế cho toàn thể cán bộ công nhân viên phấn đấu hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm. Năm nay, nhiều đơn hàng xuất khẩu, công ty phải giao ngay trong quý I, trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên công nhân của May 10 càng tích cực tham gia sản xuất ngay từ những ngày đầu năm”. Năm 2011, Tổng công ty đã đạt doanh thu 1.318 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 50 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 32 tỷ đồng, tăng 36%; thu nhập bình quân hơn 3,5 triệu đồng, tăng 16%. Năm 2012, May 10 phát động thi đua, phấn đấu đạt chỉ tiêu cụ thể như doanh thu đạt 1.581 tỷ đồng, lợi nhuận 35,2 tỷ đồng.
Không chỉ có May 10, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc Vinatex đã ra quân sản xuất kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm để kịp làm hàng xuất khẩu. Các DN đặt quyết tâm cao trong sản xuất kinh doanh bởi theo ông Trường, việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu 15 tỉ USD của ngành dệt may trong năm 2012 là hết sức khó khăn. Do các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản... có nhiều khó khăn, chưa kể các DN xuất khẩu còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, tiền lương, lãi suất cho vay... tiếp tục tăng.
Để dệt may tiếp tục là “đầu tàu” xuất khẩu trong năm 2012, theo ông Trường, điều quan trọng là các DN phải kiên định trong việc lựa chọn thị trường ngách, sản phẩm đặc thù, cũng như có kế hoạch trở thành đối tác chiến lược dài hạn với các nhà cung cấp lớn. Ông Trường cũng đề nghị các DN ngành dệt may phải cải tiến hệ thống quản lý; từng bước đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, giảm áp lực về cạnh tranh lao động; chủ động nắm bắt thời cơ, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất khi thị trường có dấu hiệu phục hồi...
Thưởng Tết để giữ chân lao động dệt may
Cùng với phát động các phong trào thi đua để “tăng tốc” sản xuất, để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu của quý I, các DN trực thuộc Vinatex đặt mục tiêu thưởng tối thiểu tháng lương 13 cho người lao động trong dịp Tết. Theo Vinatex, thu nhập bình quân trong năm 2011 đạt trên 3,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 500.000 so với mức thu nhập bình quân của Vinatex trong năm 2010. Cho nên, nếu thưởng ở mức tối thiểu thì bình quân mỗi công nhân cũng sẽ được 3,8 triệu đồng. Chưa kể, nhiều DN còn có những chính sách hỗ trợ tiền đi lại để người lao động về quê ăn Tết.
Những DN nghiệp lớn thuộc Vinatex như: Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, dệt Phong Phú, dệt Thắng Lợi… có mức lương bình quân cao hơn và vì thế mức thưởng cũng cao hơn mức bình quân của cả ngành và mức thưởng tăng bình quân từ 10 - 15% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đối với các DN nhỏ và vừa thì rất khó khăn, nên ngay cả đảm bảo thưởng tháng lương 13 cũng là chuyện không dễ.
T.Hường