Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 cho thấy doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa tăng nhanh nhất về số lượng nhưng doanh nghiệp FDI thu hút nhiều nhất về lao động.
Cụ thể, số doanh nghiệp FDI tăng tới 54% và lao động tăng tới 62,8% so với thời điểm 1/1/2012; bình quân năm giai đoạn 2012-2017, số doanh nghiệp FDI tăng 9% và lao động tăng 10,2%, cao hơn 2 lần so với doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngoài nhà nước tại thời điểm 1/1/2017 tăng 52,3% và lao động tăng 27,9%, cao hơn doanh nghiệp nhà nước nhưng thấp hơn doanh nghiệp FDI; bình quân năm giai đoạn 2012-2017 số doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 8,8% và lao động tăng 5%. “Kết quả này cho thấy doanh nghiệp FDI thu hút nhiều lao động nhất trong 5 năm qua góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Cũng theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, doanh nghiệp không chỉ tăng về số lượng, mà còn tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề mới, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, số doanh nghiệp có đến thời điểm 1/1/2017 là 517,9 nghìn doanh nghiệp. Trong đó tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động điều tra được là 505,1 nghìn doanh nghiệp và 12,86 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký nhưng đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong số này, có 10,1 nghìn doanh nghiệp lớn, tăng 29,6% (tăng gần 2,3 nghìn doanh nghiệp) so với thời điểm 1/1/2012 và chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 1,9%; số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ là 507,86 nghìn doanh nghiệp, tăng 52,1% (tương đương 174 nghìn doanh nghiệp) so với thời điểm 1/1/2012, chiếm 98,1%.
Doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với gần 216,2 nghìn doanh nghiệp chiếm tới 41,7% tổng số DN của cả nước Trong đó, lớn nhất là TP Hồ Chí Minh với 172,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm tới 33,3% tổng số doanh nghiệp của cả nước và đây cũng là vùng thu hút nhiều lao động nhất trong cả nước với hơn 5,3 triệu lao động.
Kết quả của Tổng điều tra cũng chỉ ra, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm 18,4% và lao động giảm tới 23,1% so với thời điểm 1/1/2012. Bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm giảm 4,0% về số doanh nghiệp và 5,1% về số lao động.
“Điều này cho thấy chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước đã có tiến triển nhưng quá trình thực hiện còn khá chậm”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.