Cục thuế Hà Nội cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Đây là lần thứ hai báo cáo được VCCI thực hiện, với những đánh giá, kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với cơ quan thuế, về thủ tục hành chính thuế.
Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc công bố “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp với ngành thuế” mà VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là kênh để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình một cách độc lập, các doanh nghiệp đánh giá trên nhiều lĩnh vực từ việc tiếp cận thông tin về thuế, thực hiện thủ tục hành chính thuế, kết quả giải quyết công việc, thanh tra kiểm tra thuế cho đến sự phục vụ của công thức thuế…
Doanh nghiệp chính là người trực tiếp thụ hưởng thủ tục hành chính, nên có quyền nói lên sự hài lòng của mình. Dù là chủ đề nhạy cảm, nhưng điều tra lần này đã thu hút gần 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tham gia.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2016 đã cho thấy những chuyển biến tích cực của ngành thuế so sánh với năm 2014. Qua đó, đo lường mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với hiệu quả hoạt động thực hiện và cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Thuế.
Cụ thể như thông tin pháp luật thuế và thủ tục hành chính thuế đã dễ tiếp cận hơn; việc thực hiện thủ tục hành chính thuế dần thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp; cộng đồng doanh nghiệp cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác kiểm tra thuế và thanh tra thuế; các doanh nghiệp cũng ghi nhận những chuyển biến trong phục vụ người nộp thuế của cán bộ thuế…
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, ngành thuế vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để cải cách ngành theo hướng đồng bộ và ổn định, lâu dài.
Đó là nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thuế và chú trọng khâu tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế và ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ và toàn diện hơn nữa. Cơ quan thuế cần có biện pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế vấn đề chi phí không chính thức; công tác kiểm tra thuế, thanh tra thuế cũng cần được tiếp tục cải thiện; chú ý có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ trong việc tuân thủ pháp luật thuế…
Dưới góc độ chuyên môn, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) nhận định, các thủ tục hành chính thuế là một trong những hoạt động có tác động tích cực đến doanh nghiệp Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, dù rằng vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục đẩy mạnh cải cách hơn nữa.
Ông Danh ghi nhận, với sự thay đổi tư duy quản lý, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hội nghị đối thoại, tuyên truyền chính sách mới và tuyên dương doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên hơn.