Mệt mỏi khi tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ được giảm
Trong khi người dân mong mỏi được giảm thuế để hưởng lợi từ các mặt hàng, dịch vụ giảm giá, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khi áp dụng, vì không nắm được mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế VAT? hoặc lúng túng khi tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%.
Theo anh Nguyễn Huy Tùng, chủ cơ sở kinh doanh nhựa ở Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp vướng mắc khi áp thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế nêu rõ: Hạt nhựa, hóa chất nhập khẩu là những mặt hàng không được giảm thuế VAT, tức vẫn áp mức thuế cũ là 10%. Tuy nhiên, công ty nhập khẩu những mặt hàng trên về chế biến ra sản phẩm như: Bàn, ghế, rổ, đũa... thì những mặt hàng này lại được giảm thuế VAT 8%. Vì vậy, doanh nghiệp không biết xuất hóa đơn ghi thuế VAT sao cho đúng và không bị phạt?
Hoặc đối với dịch vụ ăn uống, có cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn thuế VAT 8%, nhưng băn khoăn về trường hợp trong khi dùng dịch vụ ăn uống, khách hàng dùng cả rượu và bia (những mặt hàng không được giảm thuế VAT). Do vậy, kế toán của nhiều nhà hàng đã phải tách hóa đơn riêng cho mặt hàng rượu, bia chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để áp thuế VAT 10%, còn đồ ăn là thuế 8%... Chị N.M.Thu, chủ nhà hàng ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Với đồ uống, nếu là nước ép trái cây, thuế VAT giảm xuống còn 8%, nhưng rượu, bia vẫn giữ 10%. Việc rà soát mặt hàng để giảm thuế và giá khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc giảm thuế theo nhóm ngành hay mặt hàng để doanh nghiệp thực hiện”…
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn không rõ hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp có thuộc phạm vi các đối tượng không được áp dụng, như liệt kê tại các phụ lục kèm theo Nghị định 15/CP; chưa nắm rõ cách tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ, thời điểm áp dụng thuế suất giảm; việc tách hóa đơn khi bán nhóm hàng hóa, dịch vụ có cấu phần được giảm và không được giảm thuế VAT; hàng hóa mua vào chịu thuế 10%, khi bán ra có được áp dụng 8%...
Còn PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Đại học Tài chính cho rằng, thách thức cũng đặt ra đối với cơ quan quản lý trong việc xác định rõ đối tượng được miễn, giảm thuế VAT và việc áp dụng đúng trong thực tế? Không chỉ vậy, có thể tạo ra lỗ hổng trong quản lý với cơ chế xin cho của các cơ quan quản lý ở các lĩnh vực không thuộc đối tượng được giảm. Khi các cơ quan quản lý và cán bộ thuế đồng ý cho các doanh nghiệp này được hưởng, dẫn đến những vấn đề bất bình đẳng…
Cụ thể hóa ngành nghề được giảm
Trước thực tế trên, đại diện Deloitte Việt Nam cho biết: Công ty đã có những hướng dẫn sơ bộ cho các doanh nghiệp quan tâm tự xác định xem mã hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp có thuộc đối tượng giảm thuế VAT, sơ bộ theo các bước: Xác định lĩnh vực và sản phẩm đang kinh doanh có thuộc danh mục 12 nhóm ngành, nghề loại trừ không; đối chiếu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh với “Tên sản phẩm” trong các phụ lục của Nghị định 15/CP.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm, Bộ Tài chính, ngành Thuế cần cụ thể hóa những ngành nghề được giảm và được giảm đến đâu? Càng cụ thể càng dễ áp dụng. Bên cạnh đó, danh mục hàng hóa hiện đã số hóa hết, hóa đơn cũng thực hiện bằng hóa đơn điện tử, vì vậy, việc quản lý trên hệ thống điện tử đảm bảo công khai minh bạch.
“Khi nào công khai, minh bạch doanh nghiệp nào được hưởng miễn, giảm thuế; các mặt hàng hóa được giảm ở mức nào theo quy định; doanh nghiệp có hóa đơn đầu vào, đầu ra cụ thể... khi đó người dân và doanh nghiệp sẽ rất dễ thực thi và hạn chế được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu”, ông Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết: Nghị định 15/CP loại trừ một số loại hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản… không được giảm thuế. Đối với các mặt hàng, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế, khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn với thuế suất 8% và giao cho người mua. Trường hợp hóa đơn không theo mức thuế suất được giảm, bên bán và bên mua phải điều chỉnh hóa đơn theo đúng quy định.
Nghị định 15/CP cũng quy định đối với hàng hóa được giảm thuế, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn riêng để giao cho người tiêu dùng. Mục đích lớn nhất của Nghị định này là giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không giảm thuế VAT.