Thực tế, chi phí logistics (các chi phí phải chi trả để vận chuyển, phân phối hàng hóa ra thị trường tiêu thụ) đang là một điểm nghẽn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn, họ không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn kém nhiều chi phí tiền bạc.
Doanh nghiệp tốn quá nhiều chi phí kiểm định, phí lưu kho bãi
Theo bà Lương Thu Hương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Dương cho biết: Việc kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc, cập nhật thông tin chưa đồng bộ (đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp); nộp thuế qua online nhưng vẫn phải chụp bản nộp cho hải quan.
Do vậy nhiều doanh nghiệp đề xuất: Về lâu dài, Việt Nam cần phải có những giải phải đột phá để cải thiện vấn đề này, giúp việc xuất khẩu nông sản được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo chất lượng.
Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) nhớ lại những gian truân khi xuất khẩu hàng nông sản. “Ngày 20/11/2022, công ty thu mua quả bưởi đỏ từ tỉnh Hòa Bình để xuất khẩu sang châu Âu, doanh nghiệp đầu tiên được xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu. Ngày 24/12/2022, doanh nghiệp xếp hàng lên container tại Hòa Bình. Tiếp đó, xe di chuyển từ Hòa Bình xuống khu vực cảng Hải Phòng hết 3 ngày. Tuy nhiên, phải đến tận ngày 3/2/2023 lô hàng mới tới được London, Anh”.
“Lúc đầu, chúng tôi ký kết với doanh nghiệp logistics sau 45 ngày sẽ đưa hàng từ Việt Nam đến Anh. Nhưng thực tế để đưa container 5.000 quả bưởi này sang đến London phải mất gần 70 ngày. Bình thường, hàng sẽ phải bị đổ bỏ vì hỏng nhưng doanh nghiệp may mắn được các cơ quan chức năng của Việt Nam hỗ trợ tối đa trong khâu bảo quản nên còn cứu vãn được. Ở Việt Nam, các thủ tục xuất khẩu lô hàng được thực hiện nhanh chóng. Nhưng, lý do vận chuyển hàng của Việt Nam chậm do logistics còn quá nhiều điểm yếu. Trong khi từ Thái Lan hàng đưa sang châu Âu chưa đến 40 ngày, hoa quả tươi roi rói”, ông Phạm Ngọc Thức chia sẻ.
Còn theo ông Đặng Thế Phương – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, để đạt được hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại xuyên quốc gia, các bộ, ngành cần thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua một cửa; đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA (Hiệp định thương mại tự do), loại bỏ những giấy phép, những điều kiện không thực sự cần thiết…
Ông Đặng Thế Phương khẳng định: Các doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ việc bảo đảm an ninh hải quan, soi chiếu hàng hóa luồng đỏ theo tỉ lệ nhất định. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ doanh nghiệp quá tốn kém các chi phí cho việc này.
"Một lô hàng phải kiểm tra thực tế thủ công hay soi chiếu có thể tốn vài chục đến hàng trăm triệu. Chi phí đưa phương tiện trong cảng, tăng chi phí lưu kho bãi, đưa các container lên phương tiện soi chiếu. May mắn thì được thông quan ngay, nếu không lại quay về cảng, hạ xuống. Một doanh nghiệp có hàng trăm lô hàng mỗi tháng, mỗi lô vài chục container, riêng việc soi chiếu đã mất rất nhiều thời gian và chi phí. Nên chăng, hải quan có sự hỗ trợ doanh nghiệp kiểm tra trong lúc lưu bãi, đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp", ông Đặng Thế Phương kiến nghị.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam là một trong 20 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. Hàng hóa của Việt Nam đã xuất sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD.
"Khoảng % doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu; còn 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Hoàng Quang Phòng cho biết. Bên cạnh đó, hệ thống một cửa Quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện còn nhiều mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở lên; logistics cũng còn thiếu và yếu; thủ tục hành chính rườm rà.
"Doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia (VNSW). Tuy nhiên, khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, vẫn còn có công đoạn thủ công hoặc doanh nghiệp phải in giấy chứng nhận kiểm dịch đưa cho cơ quan hải quan xem hay thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống lúc đó tờ khai mới được thông quan", ông Lê Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Hải Phòng trăn trở.
Sẽ làm việc với các bộ ngành để gỡ khó cho doanh nghiệp
Với các vướng mắc doanh nghiệp nêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan địa phương, làm việc trực tiếp với các hiệp hội, doanh nghiệp để thống nhất giải pháp tháo gỡ.
"Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành hải quan cùng với VCCI sẽ đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa Quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Ngành hải quan cũng sẽ làm việc cụ thể với các bộ ngành, kiểm tra chuyên ngành chỉ ra bất cập cụ thể, ưu tiên các đơn vị bộ, ngành vướng mắc nhiều nhất (ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT)", lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, Tổng cục Hải quan đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt "Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030". Đây được coi là kim chỉ nam và tấm bản đồ "phát triển" của hải quan Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, Hải quan Việt Nam sẽ được xây dựng chính quy, hiện đại ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.
Để đạt được mục tiêu đó, Tổng cục Hải quan xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ. Kết quả cải cách hiện đại hóa hải quan đến năm 2022: Có 100% thủ tục hành chính cơ bản được tự động hóa; có 100% cục, chi cục Hải quan thực hiện thủ tục thông quan tự động VNACC/VCIS (Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa Quốc gia); 99,8% thu thuế bằng phương thức điện tử...
Tổng cục Hải quan đã triển khai đo thời gian giải phóng hàng cấp cục năm 2022 và đang triển khai đo thời gian giải phóng hàng năm 2022 cấp tổng cục. Theo đó, căn cứ kết quả tính toán sơ bộ các khoản thời gian chính, tổng thời gian từ khi hàng hoá đến cảng/cửa khẩu đến khi ra khỏi cảng/cửa khẩu năm 2022 là 127 giờ 13 phút 20 giây, giảm gần 7 giờ so với năm 2021. Thời gian thông quan trung bình của cả hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu cũng giảm.
Tổng cục Hải quan đã ban hành và triển khai chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; triển khai ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình với một số doanh nghiệp. Kết quả bước đầu có199 doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Tổng cục Hải quan đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp và các bên liên quan, hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam để xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá năng lực đại lý làm thủ tục hải quan trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm triển khai và quản lý hoạt động đại lý hải quan của một số cơ quan hải quan trong khu vực và thế giới (Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ,…), nghiên cứu mô hình đại lý hải quan của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).
‘Đông trùng hạ thảo’ - cả 2 bộ cùng ‘ôm’ quản lý
Theo ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp phản ánh: Mặt hàng đông trùng hạ thảo là một trong những điển hình về sự chồng chéo về quản lý chuyên ngành khi đang chịu sự quản lý của 2 bộ.
Cụ thể: Bộ NN-PTNT quản lý vì cho rằng liên quan đến nguồn gốc thực vật, nhưng Bộ Y tế cũng quản lý vì cho rằng đây là dược phẩm. “Ngay trong Bộ NN-PTNT cũng có sự chồng chéo vì Cục Bảo vệ thực vật quản lý vì cho rằng liên quan đến nguồn ngốc thực vật, nhưng một cơ quan khác trong Bộ này cũng quản lý vì cho rằng có yếu tố động vật. Trong khi quan điểm của Chính phủ là mỗi mặt hàng chỉ do một bộ quản lý. Vì vậy, VCCI sẽ tập hợp các kiến nghị để đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp.