“3 tại chỗ” càng kéo dài càng khó
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đều thống nhất cao mong muốn nhanh chóng nối lại sản xuất sau khi tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”; đồng thời, yêu cầu tỉnh đẩy mạnh tiêm vaccine đầy đủ cho công nhân, người lao động. Các đơn vị cho rằng, do dịch bệnh kéo dài đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn; trong đó, mô hình “3 tại chỗ” không còn phù hợp với nhà máy có nhiều lao động như ngành may mặc, giày da.
Theo bà Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch phụ trách cung ứng khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn ADIDAS và đại diện 23 doanh nghiệp may mặc, da giày, mong muốn doanh nghiệp được tái khởi động sản xuất trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tỉnh tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine "phủ rộng" cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xét nghiệm và xử lý nhanh chóng khi phát hiện F0; hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất thông qua các gói hỗ trợ tài chính…
Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp, việc đảm bảo quy trình khép kín phục vụ phương án "3 tại chỗ" gồm: giao nhận nguyên vật liệu, thành phẩm, thức ăn, đồ uống, đồ dùng sinh hoạt cho người lao động là rất khó. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng khó có khả năng ứng phó trong trường hợp xuất hiện nhiều ca lây nhiễm tại nhà máy.
“Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, "3 tại chỗ" là phương án tốt để vừa duy trì sản xuất của doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch. Thế nhưng, kéo dài thời gian thực hiện phương án này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp do chi phí duy trì "3 tại chỗ" rất tốn kém”, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết.
Còn có 1 khó khăn nữa tại địa bàn "vùng đỏ" là rất khó sắp xếp các nhà trọ để doanh nghiệp thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 địa điểm" do các nhà trọ trên địa bàn thành phố đan xen với các doanh nghiệp. Tại các địa bàn "vùng xanh" thực hiện mô hình "3 xanh" tại các doanh nghiệp phải triển khai việc test PCR cũng tốn kém rất nhiều chi phí.
Trao đổi trực tiếp về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đánh giá cao các phương án khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế xã hội trong giai đoạn sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Theo đó, đối với những vấn đề còn vướng, tỉnh sẽ tiếp tục trao đổi với doanh nghiệp về phương án tái trở lại sản xuất, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp trong điều kiện của tỉnh. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhưng việc trở lại sản xuất phải đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.
Sản xuất phải “3 xanh”
Đến ngày 21/9, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3.197 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", "3 xanh" với 264.621 lao động.
Đáng chú ý, sau khi trở về trạng thái bình thường mới, phục hồi kinh tế - xã hội trong một tuần qua, đã có hàng trăm doanh nghiệp tại Bình Dương lên phương án nối lại sản xuất ngay sau khi tình hình dịch bệnh tại các huyện “vùng xanh” cơ bản được kiểm soát tốt. Số lao động đã tiêm 1 mũi vaccine đủ tiêu chuẩn “thẻ xanh” ra đường, nên có thể nối lại sản xuất trong những ngày tới.
Theo Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí, sau khi trở lại “bình thường mới” đã có hàng trăm doanh nghiệp chuẩn bị tái khởi động sản xuất. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm đợt đầu tiên hoạt động “3 tại chỗ” còn thiếu kiểm soát đầu vào an toàn, nên có nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất do phát sinh ca bệnh F0. Do đó, doanh nghiệp muốn nối lại sản xuất cần nâng cao biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo nhà máy “3 xanh”.
Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn giải thích thêm, đối với doanh nghiệp thực hiện tổ chức sản xuất trở lại trong trạng thái “bình thường mới” phải là doanh nghiệp xanh, không còn ca nhiễm F0, không còn bị phong tỏa và các F1 phải được cách ly.
Doanh nghiệp muốn tổ chức sản xuất trở lại phải tiến hành sàng lọc bảo đảm an toàn COVID-19 một cách triệt để, thực hiện theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm với 100% người lao động tham gia thuộc “vùng xanh”. Các doanh nghiệp chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất và được Sở Công Thương phê duyệt.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động phải tự xét nghiệm sàng lọc hoặc thuê đơn vị dịch vụ để kiểm soát đầu vào, bảo đảm 100% người lao động qua xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 sau 14 ngày hoặc đã tiêm 2 mũi.
Trong quá trình sản xuất thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần cho những đối tượng nguy cơ cao với mục tiêu là 20% tổng lao động phải trải qua xét nghiệm sàng lọc để chủ đồng phòng ngừa dịch bệnh trong nhà máy.
Tại hội nghị bàn về giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh sau khi trở lại trạng thái "bình thường mới", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị các ngành khẩn trương tham mưu tỉnh triển khai sớm nhất các giải pháp cho doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông...
Tỉnh cũng giao Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương kết hợp với các địa phương tập trung phát triển mô hình "3 tại chỗ", "3 xanh", "1 cung đường, 2 địa điểm" tại các doanh nghiệp. Đối với xét nghiệm tầm soát dịch bệnh, Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp làm test nhanh khi thực hiện các phương án sản xuất đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân lao động. Đối với các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ tại các "vùng xanh", cần hướng dẫn thực hiện mô hình "3 xanh" khuyến khích các cơ sở tự xét nghiệm dưới sự giám sát của các địa phương…