Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có rất ít doanh nghiệp, hiệp hội có thể sử dụng công cụ tự vệ, chống bán phá giá để bảo vệ ngành sản xuất. Áp lực của hàng hóa nhập khẩu đối với thị trường trong nước ngày càng tăng cao cùng với việc Việt Nam mở cửa theo tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, theo VCCI, các doanh nghiệp và hiệp hội chưa hiểu biết đầy đủ về công cụ đặc thù này để bảo vệ thị trường nội địa. Đặc biệt, giữa doanh nghiệp và hiệp hội thiếu sự gắn kết để cùng đi kiện, thiếu kỹ năng khởi kiện...
Ngành da giày thường xuyên bị kiện chống bán phá giá.Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Thống kê của Ban Thư ký - Hội đồng tư vấn về Phòng vệ Thương mại Trung tâm WTO - VCCI, tính đến tháng 9/2014, Việt Nam mới chỉ tiến hành 3 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu. Trong đó, có 2 vụ điều tra tự vệ (vụ kính nổi 2009 và vụ dầu thực vật 2012) và 1 vụ điều tra chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội (tháng 7/2013). Trong khi đó, nhiều loại sản phẩm mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều, đặc biệt là hóa chất, nhựa, dệt may, kim loại, điện tử… đã và đang là đối tượng bị kiện chống bán phá giá ở nhiều nước. Thống kê từ năm 1994 đến nay, tổng số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là 77 vụ. Trong đó, có đến 55 vụ kiện chống bán phá giá, 7 vụ chống trợ cấp và 15 vụ kiện tự vệ.
Tuy nhiên, gần đây, việc nâng cao nhận thức về kiện tự vệ, chống bán phá giá đã có những bước tiến nhất định. Tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội. Đối với vụ việc này, ông Lê Sỹ Giảng, chuyên gia độc lập về điều tra chống bán phá giá khẳng định, việc lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá sẽ là bước đột phá cho các doanh nghiệp trong nước tự bảo vệ mình một cách chính đáng trước hàng nhập khẩu. Vì vậy, kiện tự vệ, chống bán phá giá không phải là công cụ hành chính đơn thuần mà sẽ thường xuyên được các nước áp dụng hơn, đặc biệt các biện pháp này càng quan trọng với Việt Nam khi hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Văn Phòng Luật sư IDVN cho biết, trong điều tra chống bán phá giá, tự vệ, vai trò của nguyên đơn hết sức quan trọng. Đối với điều tra chống bán phá giá, nhiệm vụ xuyên suốt của nguyên đơn phải cung cấp bằng chứng liên tục cho cơ quan điều tra về sự tồn tại hành vi phá giá của các nhà sản xuất, ngành công nghiệp nội địa có thiệt hại hoặc chịu đe dọa thiệt hại để áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Về điều tra tự vệ, nhiệm vụ xuyên suốt của nguyên đơn phải cung cấp bằng chứng cho cơ quan điều tra về sự tồn tại của điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ như: gia tăng đột biến về số lượng của hàng hóa nhập khẩu, ngành công nghiệp nội địa có thiệt hại đáng kể hoặc chịu đe dọa thiệt hại nghiêm trọng…
Theo VCCI, trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được xem là ba tấm lá chắn của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, biện pháp chống bán phá giá có thể đối phó hữu hiệu với hành vi bán sản phẩm giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường, tiến tới loại bỏ dần đối thủ cạnh tranh. Riêng biện pháp tự vệ là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp, nhằm hạn chế những tác động gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tang bất thường của hàng hóa nhập khẩu. VCCI cho rằng, Luật pháp quốc tế cho phép áp dụng vũ khí phòng vệ kiện tự vệ và chống bán phá giá. Vì vậy, doanh nghiệp, ngành hàng cần liên kết, nắm bắt thông tin, am hiểu luật pháp, chủ động khởi kiện lên cơ quan chức năng nếu thấy hàng nhập khẩu gây hại.
Thanh Sang