Doanh nghiệp rất cần gói hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu - bảo vệ chuỗi cung ứng

Dịch COVID-19 tạo ra nhiều thách thức cho công tác xây dựng chính sách của các quốc gia để phản ứng những vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ. Với quy mô toàn cầu và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không chỉ riêng Việt Nam, Chính phủ của nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn trong xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: VCB

Báo cáo “Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME/USAID) cho thấy, theo khảo sát 355 doanh nghiệp trên cả nước, trong tổng số 33 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện từ năm 2020, các chính sách thuộc nhóm thuế, phí, lệ phí và nhóm việc làm - lao động, bảo hiểm có tỷ lệ doanh nghiệp đã tiếp cận và hưởng lợi cao. 

Tỷ lệ tiếp cận của hai nhóm chính sách này đều đạt hơn 50% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách (tiếp cận thành công) tính trên tổng số doanh nghiệp đã tiếp cận chính sách lần lượt là 72% và 76,3% đối với nhóm thuế, phí, lệ phí và nhóm việc làm - lao động, bảo hiểm.

Do phạm vi đối tượng hưởng lợi nhỏ, các nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính - tín dụng và thúc đẩy xuất khẩu - bảo vệ chuỗi cung ứng có tỷ lệ tiếp cận thấp, đều dưới 20% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách (tiếp cận thành công) so với tổng số doanh nghiệp đã tiếp cận chính sách thì nhóm chính sách thúc đẩy xuất khẩu - bảo vệ chuỗi cung ứng có tỷ lệ cao hơn so với nhóm chính sách về tài chính - tín dụng, thậm chí ngang bằng với hai nhóm hỗ trợ thuế, phí, lệ phí và nhóm việc làm - lao động, bảo hiểm. Cụ thể, nhóm chính sách thúc đẩy xuất khẩu - bảo vệ chuỗi cung ứng có tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi là 76,3%; trong khi với nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính - tín dụng là 44%.

Khảo sát doanh nghiệp cho thấy, mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách với mức độ hiệu quả của các chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi thấp hơn (nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính - tín dụng và nhóm chính sách hỗ trợ về thúc đẩy xuất khẩu - bảo vệ chuỗi cung ứng) lại được doanh nghiệp đánh giá là có hiệu quả tốt hơn, có ý nghĩa hỗ trợ tích cực hơn so với các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi cao. 

Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian tới, nếu ban hành thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, cần lựa chọn đối tượng áp dụng và nội dung hỗ trợ để đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới cần chú ý tới những doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 từ giai đoạn phòng, chống dịch đến giai đoạn “bình thường mới”, do những thay đổi về nhu cầu mua hàng, sử dụng dịch vụ và đầu tư trên thế giới. Những gói hỗ trợ về tài chính - tín dụng, thúc đẩy xuất khẩu - bảo vệ chuỗi cung ứng vẫn rất cần đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch bệnh.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất (Phần 2)
Tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất (Phần 2)

Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu, thực hiện một số giải pháp sau để tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN