Tại buổi lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra tối 13/10, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang đối diện cả thuận lợi và thách thức trong thời đại mới. Số DN thành lập mới nhiều nhưng số giải thể cũng nhiều.
"Với đội ngũ doanh nhân từng bước trưởng thành, DN - doanh nhân đang là động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Nhiệm vụ sắp tới của DN sẽ nặng nề hơn. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn khiến sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân ngày càng to lớn", ông Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, doanh nhân Việt Nam không chỉ cần "hoa hồng" mà còn cần "bánh mì", nghĩa là cần được tạo những điều kiện thuận lợi để kinh doanh. Như Thủ tướng Chính phủ từng nói, "quà tặng" có ý nghĩa doanh nhân chính là một Chính phủ kiến tạo.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ 2 tuần sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập đã có thư gửi các doanh nhân kêu gọi đồng lòng vì đất nước. Người gọi đó là các “nhà công thương”, thể hiện một cái nhìn mới mẻ và coi trọng vị thế của các doanh nhân trên con đường cách mạng, giải phóng dân tộc.
Và ngay sau đó, rất nhiều nhà công thương đã đóng góp tiền bạc, công sức cho cách mạng. Những cái tên như Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Các đại biểu, doanh nhân thảo luận về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. |
Ngày nay, vai trò của các DN - doanh nhân càng trở nên quan trọng trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo ông Vũ Tiến Lộc, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng mà bộ não con người được giải phóng, làm thay đổi toàn diện, mọi mặt đời sống xã hội. Nó ảnh hưởng đến mọi ngành kinh tế nhưng lĩnh vực ảnh hưởng trước tiên là các lĩnh vực hiện đang dùng nhiều lao động giá rẻ, gia công như ở Việt Nam hiện nay với nguy cơ mất việc của các nhóm lao động này.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho rằng, các DN luôn đối mặt với sự thách thức của cạnh tranh thị trường và đặc biệt là những thay đổi của xu thế thị trường. Cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu DN phải có kế hoạch để ứng xử với nó, phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề.
"Chúng ta phải tự động hóa, sản xuất dây chuyền hàng loạt đúng sản phẩm khách hàng yêu cầu. Một robot mới tinh giá trên 20.000 USD có thể quản lý cả dây chuyền sản xuất nhưng không có nghĩa là thay thế được hoàn toàn con người. Chỗ nào cần sự hàng loạt thì dùng robot, chỗ nào cần sự tỷ mỷ, đáp ứng yêu cầu cao của khách thì dùng thợ tay nghề cao. Ví dụ bộ dây điện của xe ô tô phải quấn bằng tay. Ta phải biết sử dụng con người với cách khác, sử dụng đúng giá trị của họ", ông Dương chia sẻ quan điểm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có thể tận dụng cuộc cách mạng này để hiện đại hóa, mang lại năng suất cao hơn và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Vai trò của DN, doanh nhân ngày càng được coi trọng và nhà nước đang tạo nhiều điều kiện cho khối này phát huy hết thế mạnh của mình. Tuy vậy, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ý kiến cho rằng, sự chủ động, nhạy bén của DN vẫn là yếu tố quan trọng.