Doanh nghiệp Trung Quốc 'lách' thuế của Mỹ bằng cách chuyển 'xuất xứ' ra nước ngoài

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng một "mánh khóe" mới nhằm tránh bị áp thuế nhập khẩu của Mỹ, đó là bỏ nhãn mác "Made in China" bằng cách chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, như Serbia, Mexico, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất động cơ siêu nhỏ tại nhà máy ở Hoài Bắc, An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại chưa có lối thoát nhiều tháng qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, kéo theo các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh. Tuần qua, ông Trump cảnh báo "sẽ sớm" đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Các nhà máy Trung Quốc, sản xuất các mặt hàng từ xe đạp đến săm lốp, đồ nhựa và dệt may... đang chuyển dây chuyền lắp ráp sản phẩm của mình ra nước ngoài nhằm tránh mức thuế hải quan cao hơn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ và nhiều nơi khác.

Hl Corp, nhà sản xuất phụ tùng xe đạp được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến (Shenzhen), hồi tháng trước đã thông báo với các nhà đầu tư quyết định chuyển cơ sở sản xuất của mình ra nước ngoài vì lý do thuế. Ban quản lý công ty này cho biết nhà máy mới sẽ "giảm bớt và tránh" tác động của thuế.

Christopher Rogers, một chuyên gia về chuỗi cung ứng tại công ty dữ liệu thương mại Panjiva, cho biết: "Tất nhiên, các mức thuế mới buộc các doanh nghiệp phải xem lại các chuỗi cung ứng toàn cầu của mình".

Trong những năm gần đây, các chuỗi cung ứng đã bắt đầu di chuyển ra khỏi Trung Quốc khi chi phí bảo vệ môi trường và lương công nhân gia tăng. Các mức thuế mới của Mỹ giống như "đổ thêm dầu vào lửa", thúc đẩy xu hướng định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu.

Danh sách các công ty nước ngoài chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngày càng dài, trong đó có công ty đồ chơi Hasbro, công ty sản xuất camera Olympus, hãng giày Deckers và Steve Madden..., cũng khiến Bắc Kinh lo ngại.

Thậm chí chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng làm điều tương tự. Công ty săm lốp Linglong Tyre của Trung Quốc, công ty đang xây dựng một nhà máy trị giá 994 triệu USD tại Serbia, cho biết: "Xây dựng một nhà máy ở nước ngoài cho phép tăng trưởng gián tiếp bằng cách tránh các hàng rào thương mại quốc tế".

TTXVN/Tin tức
Apple lo ngại kế hoạch đánh thuế hàng hóa Trung Quốc của Mỹ
Apple lo ngại kế hoạch đánh thuế hàng hóa Trung Quốc của Mỹ

Apple Inc mới đây thông báo với các quan chức thương mại Mỹ rằng hàng loạt sản phẩm của hãng này, trong đó có đồng hồ Apple Watch, sẽ bị liên lụy bởi các mức thuế Mỹ đề xuất áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN