Khó khăn mà DN “kêu” nhất hiện nay là thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận được vốn vay NH do thiếu tài sản bảo đảm. Do vậy, nhiều DN vẫn đang "chết”, dù lãi suất đã hạ và ngân hàng dồi dào vốn...
Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) “đang chết” do thiếu vốn sản xuất. Những chính sách hỗ trợ DN như giãn, giảm thuế, hỗ trợ vay vốn, giảm tiền thuê đất, mới đây nhất là giảm 30% thuế thu nhập cho DN vừa và nhỏ ở một số lĩnh vực… như “liều thuốc” giúp DN phần nào vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong thời điểm này, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp còn khó khăn, hơn ai hết bản thân DN phải tự nỗ lực cứu mình.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện mức lãi suất đang trở lại mức hợp lý. Thông tin lãi suất giảm mạnh thời gian qua (với trần lãi suất cho vay 13-14%, trần lãi suất huy động 9%) khiến các DN nóng lòng muốn tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp. Tuy nhiên, tiếp cận vốn giá rẻ vào thời điểm này đối với các DN không hề dễ, đặc biệt là đối với các DN đang vướng những khoản nợ cũ của ngân hàng (NH). Nhiều DN thắc mắc khi hiện tại lãi suất 13% nhưng DN có dễ dàng tiếp cận hay đó chỉ là một hình thức quảng cáo của các NH. Bởi DN có tài sản đảm bảo nhưng chưa trả được những khoản nợ cũ thì cũng không thể vay được nguồn vốn mới lãi suất thấp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thanh khoản của NH chưa được cải thiện, nợ xấu gia tăng nên các NH thương mại phải tăng khả năng kiểm soát tín dụng bằng cách xem xét kỹ những hồ sơ và dự án của DN. Các NH thì cho rằng việc cân đối nguồn vốn của các NH thường có độ trễ nhất định, chưa thể nói cân đối là cân đối ngay được. Đại diện NH Eximbank cho biết, một số sản phẩm lãi suất 13% thực tế đã triển khai tại Eximbank, tuy nhiên hiện nay có những khách hàng vẫn giữ lãi suất từ 16-18%, vì lãi suất 13% được áp dụng khi NH Nhà nước giảm lãi suất huy động còn 9%. Với mức lãi suất huy động trước đây là 11%, 12%, 13% vẫn còn tồn tại nên không thể nào cùng một lúc NH có thể giảm lãi suất cũ của những khách hàng đã vay trước đó mà vẫn hỗ trợ giảm dần theo chu kỳ thay đổi lãi suất; còn với đặc thù một số sản phẩm lãi suất 13% chỉ giải quyết những trường hợp giải ngân mới, còn những trường hợp đáo hạn vay lại thực sự chưa thể giải quyết được.
Ông Lê Quang Doãn – Tổng giám đốc Công ty TNHH SX TM Minh Diệu cho rằng, giải pháp của Nhà nước trong thời gian vừa qua bắt đầu tháo gỡ cho lãi suất NH là tín hiệu đáng mừng cho DN, nhưng thực tế DN mới chỉ vay được lãi suất thấp nhất là 16,5%, so với những tháng trước khoảng 18-19%. Trong khi đó, các NH cho rằng khó có lãi suất thấp hơn mức này và không giải quyết được lãi suất 13-14% như công bố.
Theo ông Doãn , NH mà công ty ông đang giao dịch cho rằng có thể đáp ứng lãi suất mới này với điều kiện DN phải có phương án đầu tư mới và phải được NH thẩm định với hàng loạt các hàng rào kỹ thuật. Do đó, các DN muốn tồn tại trên ngành nghề cũ của mình để “hồi sinh” thì hầu như không có DN nào có phương án đầu tư mới lúc này để được hưởng mức lãi suất thấp. Do đó, tháo gỡ những khoản vay cũ lãi suất cao cho DN đang là việc cần làm nhất hiện nay.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế cho thấy, khi cho DN vay vốn, NH sẽ dựa trên nhiều chỉ tiêu để đánh giá mức tín nhiệm đối với DN. Tuy nhiên mức độ tín nhiệm này vẫn chưa cao do đầu ra của DN gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu không ổn định, một số khoản nợ xấu của DN vẫn chưa xử lý được.
Khó khăn mà DN “kêu” nhất hiện nay là thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận được vốn vay NH do thiếu tài sản bảo đảm, bởi hầu hết tài sản đã thế chấp để vay vốn không thể thế chấp được nữa. Tuy nhiên, theo ông Hưng, khó khăn này vẫn có “đường ra” cho DN thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng của DN vừa và nhỏ. Với những DN không có tài sản thế chấp nhưng dự án khả thi, sổ sách hạch toán rõ ràng, có khả năng thu hồi vốn, Quỹ này sẽ đứng ra bảo lãnh để DN được vay vốn.
Bà Lê Thị Tuyết Nga – NH Eximbank cho rằng, NH cũng là một DN kinh doanh vẫn phải chịu rủi ro, do đó tài sản thế chấp là điều kiện tiên quyết, đồng thời, NH cũng dựa vào phương án kinh doanh và tình hình tài chính của DN...
Có thể thấy, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và các đơn vị, trong thời điểm còn khó khăn về vốn song khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng khó khăn, bản thân DN phải tự cứu mình , sử dụng nguồn vốn tiết kiệm và hiệu quả để không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn NH.
Việt Âu