Dịch COVID-19 được xem là cú sốc bất ngờ nhất trong vòng nhiều năm đối với nền kinh tế toàn cầu; trong đó, kinh tế Việt Nam với độ mở lớn và tăng trưởng chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, đối diện với thách thức đó, tinh thần và ý chí của cộng đồng doanh nghiệp Việt đã được phát huy một cách tối đa.
Tìm cơ trong nguy
Nửa đầu năm 2020, giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia khiến hoạt động thương mại quốc tế bị gián đoạn, không thể phủ nhận tình trạng “sốc” của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu lúc đó rơi vào khó khăn khép vừa thiếu nguồn cung nguyên liệu vừa bế tắc đầu ra.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng không chấp nhận đứng yên mà chủ động tìm hướng đi mới, điển hình như thủy sản, thực phẩm, đồ gỗ… Xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2020 liên tục giảm sâu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hệ thống khách sạn, nhà hàng ở hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU đều bị đóng cửa, người dân được yêu cầu làm việc tại nhà ở để kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, từ tháng 7/2020 trở đi xuất khẩu thủy sản bắt đầu hồi phục nhờ xuất khẩu tôm tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan. Càng về sau, mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản càng cao, tháng 9 tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%, tháng 10 xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 12% và tháng 11 tăng ngoạn mục đạt 13%. Nhờ sự hồi phục nhanh chóng này, xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 vẫn đạt được mục tiêu đề ra là 8,6 tỷ USD. Đây là kết quả vượt hơn sự mong đợi trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các thị trường xuất khẩu chính.
Để có được kết quả đó, không chỉ nhờ những chuyển biến khách quan của thị trường còn là nổ lực thích ứng của nhiều doanh nghiệp. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị đổ bể. Rất nhiều sản phẩm chế biến giá trị cao, có bao bì đẹp phục vụ cho các nhà hàng, điểm vui chơi ở nước ngoài phải chịu cảnh tồn kho vì các hợp đồng mua bán với nhà nhập khẩu bị lùi hoặc hủy vì không có khách.
Điển hình như hoạt động xuất khẩu nông sản phối chế cho các nhà hàng tại Australia của Sao Ta liên tục rơi vào tình trạng thông báo nhận hàng, chưa kịp giao thì lại hoãn vì các nhà hàng phải đóng cửa. Nếu chỉ trông chờ vào kênh tiêu thụ của nhà hàng, khách sạn thì tới thời điểm này thủy sản xuất khẩu vẫn còn nằm trong kho.
Trong tình thế đó, doanh nghiệp nhanh nhạy sẽ nhận ra thực tế nhu cầu tiêu dùng thủy sản có giảm nhưng không đến mức giảm sâu mà chuyển từ nhóm nhà hàng sang nhóm nấu ăn tại nhà. Điều này đồng nghĩa với việc đơn hàng cung cấp cho hệ thống bán lẻ tăng lên khá mạnh. Nhiều doanh nghiệp nhanh chóng chuyển sang sản xuất, chế biến sản phẩm phù hợp với việc nấu ăn tại nhà, đồng thời kết nối phân phối với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, từ đó cải thiện doanh số đáng kể.
“Nhìn một cách tích cực thì dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi rõ nét của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng việc nâng cao trình độ chế biến, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu, mở rộng thị trường nội địa, tăng cường chế biến phụ phẩm góp phần giảm giá thành. Bên cạnh đó, những biến động về nhu cầu tiêu dùng cũng khiến các doanh nghiệp tập trung thu thập, cập nhật thông tin thị trường để điều chỉnh sản lượng nuôi cho phù hợp cung cầu thị trường.” ông Hồ Quốc Lực phân tích.
Tương tự với thủy sản, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng nhanh chóng tìm hướng đi mới khi các thị trường, sản phẩm truyền thống gặp khó khăn.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty đồ gỗ Hiệp Long cho biết, nhờ thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường và khách hàng, khi dịch COVID-19 xảy ra, xuất khẩu đi một số thị trường bị gián đoạn nhưng doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất hàng sang thị trường chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh để cân đối nguồn thu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nhanh chóng thay đổi phương thức tiếp thị bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho website, chạy quảng cáo trực tuyến để tiếp cận người mua hàng từ các kênh thương mại điện tử.
“Mỗi giai đoạn và khu vực thị trường có đặc điểm, xu hướng tiêu dùng khác nhau. Dù có sự cố bất ngờ như dịch COVID-19 hay không thì việc tìm hiểu nhu cầu, phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của từng thị trường, nhóm đối tượng khách hàng luôn là chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài.”, ông Huỳnh Quang Thanh nhấn mạnh.
Tập trung tái cơ cấu
Bên cạnh việc điều chỉnh sản phẩm, chiến lược tiếp cận thị trường thì tái cơ cấu hệ thống vận hành là một trong những phương án giúp nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dịch vụ trụ vững sau 1 năm đối mặt với dịch COVID-19.
Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế TP Hồ Chí Minh (VEC) chia sẻ: Đối mặt với việc gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19, thay vì nằm im bất động, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng khoảng thời gian “nhàn rỗi” này để tập trung cho việc tái cấu trúc và chuyển đổi số. Cụ thể là tổ chức, sắp xếp lại để hoạt động hiệu quả hơn dựa trên tầm nhìn và chiến lược đã đề ra, bao trùm từ tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính, sản xuất, kinh doanh, marketing cho đến cơ chế quản lý, điều hành.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp ngành du lịch rơi vào khó khăn chưa từng có từ trước đến nay.
Hầu như tất cả doanh nghiệp phải bắt đầu lại từ đầu là không có khách. Sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, các doanh nghiệp bắt đầu có sự hồi sinh, nhưng không đều nhau. Có những điểm đến đã thu hút được khá đông khách nhưng cũng có khu vực vẫn đìu hiu, các nhà hàng, khách sạn cũng hoạt động không đồng đều. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn bộ cơ cấu thị trường du lịch Việt Nam hiện nay cũng như cách thức tổ chức các sản phẩm du lịch nội địa.
Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, Vietravel mỗi năm có khoảng 1 triệu khách bao gồm cả du lịch nội địa, người Việt du lịch ra nước ngoài và du khách nước ngoài đến Việt Nam. Khi dịch COVID -19 lây lan và diễn biến phức tạp trên toàn cầu thì thị trường du lịch ra nước ngoài hay khách nước ngoài đến Việt Nam đều mất hẳn.
Nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành du lịch trong nước được phép hoạt động và Vietravel đặt mục tiêu phải phục hồi hoàn toàn lượng khách nội địa, khoảng 450.000 người/năm theo lộ trình. Để thực hiện mục tiêu đó, Vietravel đã tổ chức lại toàn bộ 40 chi nhánh, 56 văn phòng trong cả nước, cấu trúc lại hệ thống kinh doanh, kênh bán hàng và sản phẩm tập trung cho thị trường nội địa.
“Phải thừa nhận rằng, trước khi có dịch COVID-19, mặc dù thị trường du lịch nội địa rất lớn nhưng hầu hết doanh nghiệp chưa đầu tư khai thác bằng các sản phẩm chất lượng như thị trường nước ngoài. Ngay từ thời điểm họat động du lịch bị tạm dừng, Vietravel đã tận dụng thời gian đó để tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho khối nhân viên làm dịch vụ nước ngoài để chuyển sang phục vụ thị trường nội địa. Nhờ có sự chủ động đó cùng với các chính sách hỗ trợ khách hàng, ngay khi hoạt động du lịch trong nước được phép hoạt động, Vietravel đã nhanh chóng thu hút được lượng khách trong nước. Chính vì vậy, ngay cả khi COVID-19 được khống chế hoàn toàn, thị trường du lịch nước ngoài phục hồi thì các doanh nghiệp ngành du lịch cũng cần đầu tư đúng mức cho thị trường nội địa”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ thêm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã đặt doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn, thích ứng để tồn tại và phát triển hoặc đứng yên chịu chết. Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc doanh nghiệp một cách toàn diện về cơ cấu nhân lực, nguồn vốn, thị trường chính là cứu cánh giúp doanh nghiệp trụ lại và tận dụng cơ hội phát triển sau đại dịch. Doanh nghiệp nào tái cấu trúc, chuyển đổi số hóa càng nhanh thì càng có lợi thế tham gia vào chuỗi cung ứng mới.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, tái cấu trúc doanh nghiệp và chuyển đổi số đã được khuyến nghị trong nhiều năm nhưng chỉ đến khi dịch COVID-19 xuất hiện mới tạo nên áp lực mang tính sống còn. Nhờ đó, tốc độ tái cấu trúc và chuyển đối số của doanh nghiệp trong năm 2020 đã tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp trụ lại trong bối cảnh của dịch COVID-19, mà còn tạo nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với các biến động khác trong tương lai, đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững hơn.
Bài cuối: Chủ động nắm bắt cơ hội