Doanh thu thu phí tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có đạt phương án tài chính?

Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, trong quý III/2022, các trạm thu phí dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 thu hơn 760 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh tư liệu: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Cụ thể, đại diện VIDIFI cho hay, trong quý III, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt hơn 4,2 triệu lượt xe, doanh thu từ 8 trạm thu phí trên tuyến đạt hơn 544 tỷ đồng. Tình hình an ninh và trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, không xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Tuy vậy, VIDIFI cho hay, dự án đường cao tốc Hà Hội - Hải Phòng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo doanh thu theo hợp đồng BOT do tuyến cao tốc này chưa được tăng giá phí theo phương án tài chính.

Cụ thể, theo phương án tài chính, dự kiến mỗi năm tăng giá phí 4%. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay chưa được tăng giá quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Từ ngày 20/1/2022, mức giá vé trên tuyến đều giảm theo mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 8% đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí.

Đại diện VIDIFI cho biết thêm, từ đầu tháng 6/2022, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Sau gần 5 tháng thực hiện, hệ thống hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu của người tham gia giao thông.

Đối với việc khai thác, thu phí trên Quốc lộ 5, VIDIFI cho biết, trong quý III/2022, doanh thu thu phí đạt hơn 218 tỷ đồng. Công tác thu phí được đảm bảo tuân thủ quy định, giao thông qua 2 trạm thu phí trên tuyến được thông suốt. Việc quản lý thu phí tại 2 trạm thu phí trên tuyến được thực hiện minh bạch, đúng quy định.

Tuy nhiên, lãnh đạo VIDIFI cho biết, việc thu phí trên tuyến Quốc lộ 5 cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như, việc mở rộng trạm thu phí số 1 còn chậm, cơ sở vật chất trạm thu phí đã xuống cấp. Hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 nằm trên địa bàn tình hình an ninh trật tự phức tạp, đặc biệt là trạm thu phí số 2, nhiều chủ phương tiện kiên quyết không mua vé, gây ùn tắc giao thông, gây gổ, lăng mạ, làm mất an ninh trật tự. Nhiều người dân và cán bộ địa phương trong vùng giảm phí không đủ điều kiện, khi qua trạm vẫn yêu cầu được giảm phí. Khi không được giải quyết thì cự cãi, dừng đỗ lâu gây ùn tắc nên bắt buộc phải mở barie cho xe qua trạm. Bên cạnh đó, tình trạng phương tiện né trạm để trốn thu phí cũng khá phổ biến.

"Hai trạm thu phí cũng đã lắp đặt hệ thống thu tự động không dừng, tuy nhiên vẫn còn phát sinh nhiều lỗi như xử lý giao dịch lỗi thẻ, thẻ không có đủ tiền, dán 2 thẻ trên cùng 1 xe", lãnh đạo VIDIFI cho hay.

Trong một diễn biến liên quan đến phương án tài chính của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn nước ngoài cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn nước ngoài cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo chủ trương cho phép chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với giá trị là hơn 7.036,6 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền dùng để hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc là hơn 4.699,6 tỷ đồng và hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Tái thiết Đức là 2.337 tỷ đồng.

Giá trị nêu trên được tính toán theo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 63/2022/QH15 và sẽ được chuẩn xác tại thời điểm hoạch toán chi phí vốn đầu tư đã thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục đề xuất kế hoạch trung hạn cho dự án trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công (hiện dự án này mới có trong danh mục dự án trong nước trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công).

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Dự án được đưa vào khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2015. Tuyến đường có quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, mặt đường rộng từ 32,5 - 35m, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với chiều dài 105,5 km.

Để đầu tư tuyến cao tốc này phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động từ 10,5 - 11,4% trong thời gian 30 năm. Để hoàn vốn cho dự án này, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép VIDIFI được thu phí trên tuyến cao tốc và 2 trạm thu phí tại Quốc lộ 5.

Triển khai xây dựng tuyến cao tốc này, các đơn vị thi công đã huy động gần 70 triệu m3 đắp nền, gần 14 triệu m2 vải địa kỹ thuật. Một khối lượng công trình rất lớn đã được hoàn thành như: 9 cầu lớn vượt sông tổng chiều dài trên 4.500m; 55 cầu trung, cầu vượt tại các nút giao tổng chiều dài gần 9.000m. Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2015.

Quang Toàn (TTXVN)
Sở GTVT Hà Nội thông tin về đề án thu phí vào nội đô
Sở GTVT Hà Nội thông tin về đề án thu phí vào nội đô

Đề án thu phí vào nội đô Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, việc lắng nghe và tiếp thu các nội dung phản biện xã hội, các ý kiến đa chiều từ truyền thông là hết sức cần thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN