Với thâm niên 10 năm trồng xoài, thấy giá cả của 1 kg xoài khi bán ra thị trường cũng không mấy giá trị, làm sao để cùng trên một trái xoài ấy mà giá trị của nó sẽ được nâng cao, đó là trăn trở nhiều năm liền của anh Nguyễn Minh Khánh. Nghĩ là làm, anh đã mày mò lên mạng và học cách làm chữ thư pháp trên trái xoài để bán vào những ngày Tết Nguyên đán.
Nhận thấy xoài là 1 trong 5 loại trái cây thường được người dân bày trên mâm ngũ quả, trưng trong ngày Tết. Nhưng nếu trái xoài không có điểm gì độc đáo, sẽ khó cạnh tranh. Tình cờ thấy các sản phẩm dưa hấu, bưởi, dừa... có khắc chữ thư pháp rất đẹp, giá thành lại cao gấp 5-6 lần, anh tự nhủ sẽ tự tay làm ra sản phẩm này. Trong suốt gần 1 năm, anh thường xuyên đi Bến Tre, phụ việc tại một nhà vườn để học hỏi kinh nghiệm “vẽ” thư pháp lên trái cây. Được truyền nghề, nhưng để áp dụng vào vườn nhà mình lại là cả một vấn đề. Tết năm 2019, anh thử mày mò trên một số xoài trong vườn nhà và thất bại...
Vụ xoài Tết năm 2020 anh Khánh tiếp tục bắt tay vào làm, với 400 quả nhưng anh chỉ thành công được 200 quả. với chữ Tài, Lộc hoặc Phát Tài, Phát Lộc sắc nét, được thương lái mua luôn tại vườn. Trái xoài vàng ruộm đạt trọng lượng từ 800g-1,2kg, nổi chữ thư pháp màu xanh đậm, có giá từ 200-300 nghìn đồng/trái. Vụ Tết năm nay, anh Khánh sẽ cung cấp ra thị trường Tết 400 trái và hiện số xoài thư pháp này đã được khách đặt hết, với giá cũng bằng năm ngoái là 200 đến 300 nghìn đồng/trái.
Anh Khánh cho biết, để làm xoài thư pháp từ đầu tháng 9 âm lịch anh đã phải xử lý cho xoài ra hoa, để đến giữa tháng 10 trái xoài bằng quả trứng gà là bắt đầu chọn những trái tròn đều, cân đối để bao kín cho không quang hợp được và chuyển qua màu vàng nhạt. Sau 2 tháng, khi xoài có màu vàng nhạt, chỉ còn 20 ngày nữa đến Tết Nguyên đán, anh Khánh lại bọc kín xoài trong chiếc túi mới, chỉ chừa chữ cần tạo trên thân trái xoài cho ánh sáng chiếu vào nơi cần nổi chữ lên, nhờ quang hợp của ánh sáng sau 20 ngày là chữ sẽ nổi lên trên thân trái xoài sau khi tháo bỏ bao bọc bên ngoài.
Trong khu vườn rộng 2ha của anh Khánh, có 100 gốc xoài Đài Loan, còn lại là trồng nhãn. Anh Khánh cũng mạnh dạn học hỏi, áp dụng mô hình trồng xoài, nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, lợi nhuận từ xoài, nhãn khoảng hơn 150 triệu đồng. “Việc ứng dụng sản xuất xoài, nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất cao, ổn định, lợi nhuận tăng. Việc làm vườn cũng khỏe hơn nhiều. Nhờ đó, tôi có thời gian nghiên cứu những sản phẩm mới”, anh Khánh chia sẻ.
Công đoạn định hình chữ mất rất nhiều thời gian vì nếu làm không tốt sẽ khiến bao trái bị dịch chuyển, chữ bị nhòe, không còn đúng vị trí như ban đầu và mỗi bao khắc chữ (nhập từ Đài Loan, giá thành từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/bao) chỉ có thể sử dụng 1 hoặc 2 lần nên rất tốn chi phí cho khâu bao và khắc chữ.
“Nếu bọc xoài sớm quá, trái xoài sẽ bị lợt màu, bọc trễ quá thì chữ thư pháp lại không nổi. Nếu để nắng xuyên qua kẽ hở của bao, trái sẽ không bóng vàng, không đều màu. Tính toán sai, trái xoài sẽ chín trước Tết, mỗi lần tôi tự rút kinh nghiệm cho mình để làm tốt hơn”, anh Khánh nói.
Tết Nguyên đán năm 2020, anh Khánh thử nghiệm với 400 trái xoài trong vườn, nhưng chỉ hơn 200 trái thành công, “Do đẹp mắt, lại ý nghĩa nên xoài thư pháp luôn đắt khách. 1.000 trái xoài của tôi đã được khách tại TP.Hồ Chí Minh đặt hàng. Có đơn hàng 500 trái xoài thư pháp do khách hàng ở Đà Nẵng đặt, nhưng tôi đành từ chối vì không thể đáp ứng được…”, ông Khánh nói.
Ngoài trái xoài, mấy năm nay, anh Khánh cũng thử nghiệm làm đu đủ hồ lô, thỏi vàng, có chữ nổi bên trên. Anh Khánh cho hay với trái đu đủ, việc thành công khó bội phần. Bởi ép khuôn mạnh tay, mủ của trái đu đủ sẽ ra làm hỏng trái. Thêm vào đó, cuống của trái đu đủ ngắn nên rất khó cho việc ép khuôn.
Trong 10 trái thử nghiệm năm 2020, ông chỉ thành công với 3 trái đu đủ hình thỏi vàng và được mua với giá 450.000 đồng/trái. Hiện trong vườn đang có 200 gốc đu đủ, thời gian tới ông Khánh sẽ tiếp tục thử nghiệm...
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, sản phẩm xoài, đu đủ thư pháp của anh Nguyễn Minh Khánh hiện đang là mô hình khá độc đáo trên địa bàn xã cũng như của tỉnh. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.