Đường ray xe lửa bị hư hỏng nặng. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Theo ghi nhận của phóng viên sáng ngày 21/3, hành khách Nguyễn Trọng Phú, đi Tháp Chàm ngày 26/3 (SE5) đã đến đổi vé vì sợ chuyến đi có vấn đề khi mà cầu Ghềnh chưa biết lúc nào sửa xong. Tương tự, một hành khách đặt vé ngày 28/4 đi Phan Thiết cũng đến đổi vé vì e ngại việc đi lại bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tại khu vực bán vé, vẫn có khá nhiều người đến mua vé đi trong tháng 3/2016. “Đọc báo tôi có biết thông tin sập cầu Ghềnh, ảnh hưởng đến tuyến đường sắt Bắc – Nam nhưng vì gia đình có việc gấp nên tôi vẫn quyết định mua vé tàu. Hơn nữa, ga Sài Gòn cũng có xe trung chuyển chở hành khách đến ga Biên Hòa để đi tiếp nên tôi không thấy quá nhiều lo lắng” - một hành khách mua vé cho biết.
Cũng trong sáng 21/3, đã có một chuyến xe khách chở hành khách đi từ ga Biên Hòa (lộ trình Bắc – Nam) lên ga Sài Gòn. Một hành khách vui vẻ nói: “Hành khách cũng thông cảm với ngành đường sắt về sự cố sập cầu Ghềnh, nói chung việc đi lại không mấy vất vả nhưng lịch trình và thời gian bị xáo trộn tương đối nhiều”.
Bên cạnh đó, có sẵn 2 xe buýt lớn đón khách từ ga Sài Gòn đi ga Biên Hòa. Theo kế hoạch chạy tàu trong ngày 21/3, từ ga Sài Gòn sẽ có 7 chuyến (SE6, SE22, TN2, SE26, SE2, SNT2, SE4) với khoảng gần 800 khách (chưa tính số khách trả vé). Đại diện ga Sài Gòn cho biết, số ô tô được huy động từ Trung tâm vận tải hành khách công cộng, hợp tác xã vận tải... sẽ không thiếu. Xe được trang bị máy điều hòa nên hành khách đi lại sẽ thoải mái hơn. Về vấn đề hành lý ký gửi, đại diện này cho biết, trong khi chờ phương án của lãnh đạo ngành đường sắt, trước mắt ga Sài Gòn sẽ không nhận ký gửi kể từ ngày hôm nay (21/3).
Trước đó, ngày 20/3, ga Sài Gòn đã dùng ô tô trung chuyển khoảng 1.400 khách đi từ ga Sài Gòn tới ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình, đồng thời có khoảng 1.500 hành khách được trung chuyển từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn.