Chiều 8/10, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tập đoàn Công nghiệp nặng hàng đầu Nhật Bản IHI tổ chức diễn đàn “Việt Nam 2020 và tương lai: Hiện đại hóa cho bước phát triển kế tiếp”. Đây là lần đầu tiên diễn đàn đối thoại giữa một doanh nghiệp công nghiệp nặng của Nhật Bản với cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam được tổ chức.
Ưu tiên phát triển nhân lựcViệt Nam đã đặt ra mục tiêu, tới năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới những mục tiêu tăng tỉ trọng GDP giữa công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp hợp lý.
Các kỹ sư Việt Nam sẽ được tiếp thu kỹ thuật mới từ việc xây cầu Nhật Tân. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Theo các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn, một nước dù có tài nguyên thiên nhiên phong phú, máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng thiếu nhân lực có trình độ thì khó có khả năng phát triển như mong muốn.
Vì vậy, tại diễn đàn ông Tamotsu Saito, Chủ tịch Tập đoàn IHI đã nhiều lần nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của đất nước.
“Muốn phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tiếp nhận các công nghệ mới thì Việt Nam phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, để tiếp thu những kỹ thuật tiên tiến này. Do vậy, nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong công cuộc hiện đại hóa tại Việt Nam”, ông Saito nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 9/2014, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 2.410 dự án và 36,3 tỷ USD vốn đầu tư. |
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Nhật Bản là nước có công nghệ rất phát triển, đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… Sắp tới, cầu Nhật Tân (Hà Nội) khánh thành cũng sẽ là một trong những công trình tiêu biểu cho sự hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam. Để tiếp thu được những tiến bộ của Nhật Bản trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật trong các ngành công nghiệp khác thì Việt Nam cần xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
“Vừa qua, chúng tôi đã hợp tác để xây dựng nhiều công trình tại Việt Nam. Việc này không chỉ giúp Việt Nam cải thiện tình hình giao thông mà quan trọng hơn là các kỹ sư Việt Nam sẽ nắm vững được các kỹ thuật, tiếp thu những công nghệ mới nhất của chúng tôi, giúp họ có thể tự xây dựng được các công trình hiện đại trong tương lai bằng kiến thức của chính mình”, ông Ryutaro Yoshinari, trưởng đại diện tại Văn phòng của IHI tại Việt Nam cho biết.
Để giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Tập đoàn IHI cho biết sẽ tiếp nhận khoảng 400 thực tập sinh để đào tạo, tập huấn tại các nhà máy ở Nhật Bản. Hiện nay, IHI cũng đang nhận vào làm và đào tạo thêm khoảng 200 kỹ sư Việt Nam tại các nhà máy tại Hải Dương, Hải Phòng…
Cải thiện cơ sở hạ tầng
Theo các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn, để Việt Nam trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn, Chính phủ Việt Nam cần không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ.
Ông Tamotsu Saito cho rằng, công nghiệp phụ trợ có thể hiểu như là cơ sở hạ tầng, ví dụ như: chúng ta phải có điện, nước và các điều kiện hạ tầng cơ bản khác thì mới thu hút được nhà đầu tư. Các lĩnh vực phụ trợ này phải được đầu tư trước khi kêu gọi thu hút đầu tư, có như vậy thì mới phát triển được công nghiệp nặng.
Còn theo ông Ryutaro Yoshinari, môi trường đầu tư của Việt Nam rất hấp dẫn, tài nguyên phong phú, nhân lực có chất lượng… Do vậy, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển cao, nhưng hiện nay hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Nếu Việt Nam phát triển đầy đủ hạ tầng thì nhất định sẽ tăng trưởng nhanh và đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, nếu các kỹ sư, công nhân của Việt Nam chịu khó học hỏi, tiếp thu các kỹ thuật tiên tiến không chỉ của Nhật Bản, mà còn của thế giới, thì mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 sẽ không xa với với Việt Nam.
Hữu Vinh