Các ổ dịch lớn, nguy hiểm nhất chính là tại các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu… trên địa bàn huyện Việt Yên với tổng số ca mắc COVID-19 đã lên tới hơn 1.500 ca tính từ khi phát hiện các ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên từ ngày 8/5 đến nay. Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Bắc Giang lúc này là khống chế, dập tắt các ổ dịch trong các khu công nghiệp; đồng thời, khi tình hình đã dần được kiểm soát, khôi phục sản xuất tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp và đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn dịch bệnh.
"Đầu tàu" sản xuất công nghiệp
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang Đào Xuân Cường cho biết, phát triển các khu công nghiệp được xác định có vị trí quan trọng đối với tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm gần đây, phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt nhiều kết quả. Hàng năm, thu hút đầu tư vào tỉnh luôn nằm trong top 10 của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trên tổng giá trị sản xuất của tỉnh, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và các vùng lân cận, từng bước nâng cao đời sống của người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh…
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Giang đã thành lập mới 1 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Hòa Phú với diện tích 207,45 ha. Tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, tỉnh Bắc Giang được bổ sung mới 3 khu công nghiệp là: Khu công nghiệp Yên Lư với diện tích 377 ha tại các xã Yên Lư và Nham Sơn, huyện Yên Dũng; Khu công nghiệp Yên Sơn - Bắc Lũng với diện tích 300 ha tại các xã Yên Sơn và Bắc Lũng, huyện Lục Nam; Khu công nghiệp Tân Hưng với diện tích 105,3 ha tại các xã Tân Hưng và Xương Lâm, huyện Lạng Giang.
Tỉnh Bắc Giang cũng được mở rộng 3 khu công nghiệp là: Khu công nghiệp Quang Châu với diện tích tăng thêm 90 ha tại thị trấn Nếnh và các xã Quang Châu, Vân Trung, huyện Việt Yên; Khu công nghiệp Hòa Phú với diện tích tăng thêm 85 ha tại các xã Mai Đình và Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa; Khu công nghiệp Việt Hàn với diện tích tăng thêm 148 ha tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng, Hòa Phú, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 81,7%. Toàn bộ các khu công nghiệp đang hoạt động tập trung trên địa bàn các huyện Việt Yên, Yên Dũng và huyện Hiệp Hòa. Riêng Khu công nghiệp Việt Hàn đang trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư (đã lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng).
Tính đến cuối năm 2020, đã có gần 400 dự án được chấp thuận đầu tư vào các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, trong đó trên 330 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho trên 130.000 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng...
Chống dịch nhưng không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất
Trong đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam, từ khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 8/5/2021 đến nay, dịch COVID-19 đã bùng phát, lây lan nhanh với số ca mắc liên tục tăng, từ hàng chục, rồi đến hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày tại Bắc Giang. Các ổ dịch lớn, nguy hiểm tại Bắc Giang hiện nay đều ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp như Vân Trung, Quang Châu; sau đó lan sang cả các khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng, Đình Trám.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, nguồn lây là tại các khu vực nhà máy trong khu công nghiệp hoặc trong khu nhà ở, lưu trú của công nhân. Vì đây là nơi có mật độ làm việc, lưu trú đông. Trong khi đó chủng virus này lây lan nhanh, mạnh và phát tán rộng trong môi trường không khí, nên số ca mắc COVID-19 trong các khu công nghiệp của Bắc Giang tăng cao. Chỉ riêng trong ngày 25/5 vừa qua tỉnh Bắc Giang đã phát hiện có thêm 375 ca mắc COVID-19 mới, chủ yếu là công nhân trong các khu công nghiệp; trong đó, nhiều nhất là công nhân của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Châu. Đáng lo ngại, từ những công nhân mắc bệnh này đã lây cho người thân của họ, những người tiếp xúc, dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm cho cộng đồng.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang. Trước nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp như Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng từ ngày 18/5/2021 để phòng chống dịch COVID-19. Các nhà máy dừng hoạt động, công nhân ở trong các khu cách ly tập trung, phong tỏa để theo dõi, xét nghiệm, sàng lọc, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Dịch COVID-19 bùng phát tại các khu công nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Bắc Giang. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 của tỉnh giảm 40,9% so với tháng trước, giảm 33,3% so với tháng 5/2020. Hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn đều giảm, đáng chú ý ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm tới 49,5% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ; nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lớn như Hosiden, Newwing, SJ Tech, Shin Young, Luxshare… phải dừng sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, do dịch bệnh COVID-19 nên việc đóng cửa khu công nghiệp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất chung, làm "đứt gãy" chuỗi sản xuất, bởi nhiều doanh nghiệp này đang là những nhà cung ứng linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Tỉnh đã nghiên cứu, phối hợp với bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế để từng bước mở lại các hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp trong điều kiện có dịch.
Thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 vừa khôi phục, phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch tổ chức lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Song Khê – Nội Hoàng, Vân Trung. Mục đích nhằm giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội; khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh; xây dựng được mô hình doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch COVID-19, thực hiện phương châm "Chống dịch để sản xuất - Sản xuất để chống dịch". Các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất trở lại khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng phải đáp ứng được các điều kiện chung để tổ chức sản xuất. Đó là, chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú, tạm trú xác nhận đã kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5/2021 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm PCR kết quả âm tính với COVID-19 (kể từ ngày 9/5/2021 trở lại đây); trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp 1 ngày.
Nơi lưu trú cho người lao động bố trí tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt của doanh nghiệp. Người lao động ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng. Trường hợp đi khỏi nơi làm việc, nơi lưu trú tập trung khi quay trở lại doanh nghiệp phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày tại khu cách ly tập trung của doanh nghiệp và xét nghiệm PCR 2 lần có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (mỗi lần cách nhau 7 ngày, lần cuối cùng trước khi trở lại làm việc 1 ngày) mới được trở lại làm việc.
Trước khi tổ chức sản xuất lại, doanh nghiệp bố trí đón người lao động đến nơi ở tập trung của doanh nghiệp ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lao động.
Doanh nghiệp có ký túc xá riêng biệt với nơi làm việc phải bố trí phương tiện đưa đón người lao động từ ký túc xá đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về ký túc xá.
Thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp. Mỗi lần cách nhau 7 ngày trong tháng đầu tiên. Những tháng tiếp theo, mỗi tháng xét nghiệm ngẫu nhiên 50% lao động của doanh nghiệp trước ngày 15 hàng tháng.
Đối với đơn vị cung cấp suất ăn và những doanh nghiệp thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, người lao động làm nhiệm vụ tại khu vực của doanh nghiệp, nơi ở của công nhân hoặc giao đồ ăn, hàng hóa đến doanh nghiệp phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước 1 ngày trước khi doanh nghiệp hoạt động trở lại; định kỳ 1 lần/tuần phải xét nghiệm tầm soát COVID-19.
Các doanh nghiệp hạn chế tối đa sử dụng lao động ngắn hạn, thời vụ; trường hợp sử dụng thì người lao động phải cách ly tập trung 21 ngày tại khu cách ly tập trung của doanh nghiệp và có 3 lần xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19, mỗi lần cách nhau 7 ngày, lần cuối cùng trước 1 ngày khi vào làm việc tại doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh lựa chọn, tổ chức xây dựng mô hình điểm cho các doanh nghiệp sản xuất trở lại đối với 8 công ty gồm: Công ty TNHH sản xuất Sanwa Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám), Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Giang, Dự án nhà máy giấy Xương Giang (Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng), Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung), Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang (Khu công nghiệp Đình Trám và Lô P thuộc Khu công nghiệp Quang Châu), Công ty TNHH công nghệ chính xác Fuyu (Khu công nghiệp Quang Châu), Công ty TNHH New Hope (Khu công nghiệp Quang Châu), Công ty TNHH Đặc Khu Hope (Khu công nghiệp Quang Châu), Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu).
Tỉnh sẽ kiểm tra, đánh giá điều kiện hoạt động trở lại, tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp này xong trong ngày 27/5. Tổ chức cho các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 28/5. Khi hoạt động sản xuất trở lại phải luôn đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn dịch bệnh.