Kết quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu. Bộ mặt các xã, phường trên địa bàn đã có những đổi thay theo hướng tích cực.
Thành phố Lai Châu có 7 đơn vị hành chính gồm 2 xã, 5 phường. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu Bùi Hữu Cam, trước khi thực hiện Chương trình nông thôn mới (năm 2011), cơ sở hạ tầng nông thôn ở 2 xã Nậm Loỏng, Sang Thàng như giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, chợ... chưa được quan tâm đầu tư, hạ tầng chưa đồng bộ. Công tác thu hút doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy hết một số thế mạnh về sản xuất nông nghiệp tại địa bàn từng xã.
Người dân các xã Nậm Loỏng, Sang Thàng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí thấp, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sản xuất nông nghiệp phân tán nhỏ lẻ nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có nơi còn hạn chế; năng suất, hiệu quả sản xuất chưa cao. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đường bê tông trải dài trên khắp các đường nội đồng, nội bản. Người dân hai xã Nậm Loỏng, Sang Thàng phấn khởi vì được hưởng lợi từ chính sách đầu tư xây dựng, hỗ trợ của Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu Bùi Hữu Cam cho biết thêm: Cả 19 tiêu chí thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt, góp phần giúp thành phố thực hiện công tác quy hoạch vùng nông thôn, đầu tư hạ tầng kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng khoa học, mục tiêu là hướng đến nông dân. Thành phố đã phát động và thực hiện tốt phong trào thi đua “Thành phố Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân đồng tình hưởng ứng hiến đất, cùng làm cùng hưởng lợi.
Sau hơn 8 năm thành phố Lai Châu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ sự đồng thuận của nhân dân, trên địa bàn hai xã trên đã xây dựng được 70km đường giao thông nông thôn; đầu tư nâng cấp, khởi công mới trên 12,66 km kênh mương thủy lợi; 2 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng, nâng cấp đảm bảo yêu cầu. Các điểm trường bản được nâng cấp, sửa chữa, không còn sập sệ, tạm bợ. 100% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, số hộ nghèo và cận nghèo của hai xã còn dưới 5%. Năm 2011, tổng thu nhập bình quân của khu vực nông thôn thành phố là 9 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2018 đã đạt được 33 triệu đồng/người/năm.
Từ nguồn hỗ trợ kinh phí về cây, con giống và khoa học kỹ thuật, người dân đã dần ý thức đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều vùng đã xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ như: Cây ăn quả, cây chè, cây mắc ca, hoa, rau thủy canh hữu cơ…
Thành phố Lai Châu đã đưa ra giải pháp, chỉ tiêu để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo phát triển bền vững.
Thành phố tăng cường xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu và xã nông thôn mới kiểu mẫu "nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh". Thành phố Lai Châu thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực của các xã đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch của địa phương...
Thành phố núi Lai Châu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; duy trì tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% theo tiêu chí đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên triệu đồng/người/năm trở lên.