Đóng góp vào thành tích ấn tượng đó, Đông Nam bộ - vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước vốn được ví là “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới với đóng góp % GDP và 48% kim ngạch xuất khẩu đang trở lại sôi động từng ngày, cho thấy sức hồi phục mạnh mẽ sau 2 năm gánh chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Góp phần cho sự hồi phục đó phải kể đến sự tiếp sức của nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng…
Sôi động không khí phục hồi
Con đường xuyên ngang làng nghề gỗ Hố Nai (Tp. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) nườm nượp xe ra vào, nhiều đoạn tắc nghẽn bởi những xe tải lớn bốc xếp nguyện liệu, hàng hóa. Được biết đến là thủ phủ của nghề mộc truyền thống ở vùng Đông Nam Bộ, trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay sản phẩm gỗ Hố Nai, đặc biệt là đồ thờ được làm bởi những người thợ mộc tài hoa xứ Bắc từ Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tây (cũ),... vào Đồng Nai lập nghiệp, vẫn là một thương hiệu được nhiều khách hàng lựa chọn.
“Thời điểm này là lúc chuẩn bị hàng hóa để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, làng nghề gần như đóng cửa, đây là lúc chúng tôi vực dậy”, ông Hoàng Văn Cương, chủ hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ tại làng nghề Hố Nai cho biết.
“May mắn nhất là thời điểm này có nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với lãi suất ưu đãi, kịp thời cho đợt nhập nguyên liệu đúng lúc sản xuất đang vào vụ. Thời điểm này không chỉ nguyên liệu đang có giá tốt, mà còn dễ thuê nhân công, lao động, cho nên không gì bằng có vốn đầu tư sản xuất sẵn hàng cất trong kho, chờ tới thời vụ mua sắm là tung ra, chứ cuối năm vừa khó vay vốn, vừa khó thuê nhân công, hàng có bán được giá tốt mà mình không có để xuất thì cũng… ngậm ngùi ngồi nhìn”, ông Cương bộc bạch.
Đặc thù nghề gỗ cần nguồn vốn rất lớn để nhập nguyên liệu. “Làm ăn phải có thiếu có chịu. Hàng chục năm làm nghề, chúng tôi đều có mối để có thể mua chịu nguyên liệu. Nhưng nói nôm na, nếu có tiền tươi để mua mỗi khối gỗ rẻ được 2 đồng, mình về làm xong trả lãi ngân hàng 1 đồng, mình còn dư 1 đồng thì tội gì không vay ngân hàng”, ông Cương ví dụ.
Chính vì thế, cũng như nhiều hộ làm nghề “cha truyền con nối” ở làng nghề Hố Nai, mối quan hệ với Agribank là cũng là quan hệ “cha truyền con nối”, nên nhiều khách hàng khi được hỏi đã không nhớ bắt đầu quan hệ tín dụng với Agribank từ khi nào…
Ở một nhánh khác của “thủ phủ” gỗ Hố Nai, Công ty TNHH sản xuất - thương mại và dịch vụ Toàn Tâm Phát (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) lại tập trung vào những sản phẩm đỗ gỗ chất lượng cao chuyên xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ…
Ông Trần Văn Thặng, Phó giám đốc Công ty cho biết, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tình trạng lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi chi phí vận chuyển tăng nên số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm tới 50%. Khó khăn chồng khó khăn, tuy nhiên nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ Agribank, Công ty vẫn tự tin vay vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mới hàng nghìn mét vuông với dây chuyền công nghệ hiện đại trong Khu công nghiệp Hố Nai.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà xưởng mới xây dựng khang trang với dàn máy móc hiện đại vừa được nhập khẩu, ông Thặng chia sẻ: “Tôi không mạo hiểm. Xuất thân từ một công nhân làm thuê cho một công ty chế biến gỗ của Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2000 và lập nghiệp với xưởng gia công đầu tiên vào năm 2003 từ món vay 70 triệu đồng của Agirbank, đến nay tôi tự tin khẳng định ngành gỗ Việt Nam thực sự có chỗ đứng trên bản đồ ngành gỗ thế giới. Vì vậy, những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời. Với sự đồng hành của Agribank, tôi tin vào xu hướng đầu tư công nghệ cao, hướng tới các thị trường cao cấp của chúng tôi hiện nay”.
Không chỉ với các cơ sở, doanh nghiệp trong nước, với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Agirbank cũng đồng hành và chia sẻ khó khăn với mục tiêu cao nhất là doanh nghiệp phục hồi, công nhân có việc làm, kinh tế phát triển. Chính vì vậy, 600 công nhân tại Công ty TNHH Inni Home (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn duy trì sản xuất dù đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ của công ty giảm tới 50%.
Theo bà Zhang Ying, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Inni Home, nếu như năm 2020 và năm 2021 tổng giá trị xuất khẩu luôn duy trì từ 1 đến 1,2 triệu USD/tháng thì thời điểm này chỉ còn 600.000 - 700.000 USD/tháng. Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, lãi suất vay ngoại tệ của Agribank từ 3,6%/năm giảm xuống còn 3%/năm.
“Mặc khác, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Agribank Bình Dương với các chương trình như miễn phí chuyển tiền, hỗ trợ các hoạt động an sinh cho doanh nghiệp trong thời điểm thực hiện “ba tại chỗ” do dịch bệnh căng thẳng… Sự chia sẻ và đồng hành của ngân hàng qua rất nhiều thăng trầm của sản xuất kinh doanh và đặc biệt là sự hỗ trợ cả ở những dịch vụ ngoài tín dụng như tư vấn chính sách đất đai, thuế, kết nối với chính quyền địa phương để hỗ trợ giải quyết những vấn đề vướng mắc với doanh nghiệp chính là lý do để chúng tôi gắn bó với Agribank từ năm 2013 đến nay”, bà Zhang Ying cho biết.
Nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng
Theo bà Trần Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Agribank tỉnh Bình Dương, hoạt động trên địa bàn kinh tế sôi động nhất cả nước là điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng là áp lực lớn với Agribank tỉnh Bình Dương khi phải cạnh tranh quyết liệt với gần 70 tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, Agribank tỉnh Bình Dương đã nỗ lực không ngừng, đảm bảo duy trì vị thế của một chi nhánh hàng đầu trong hệ thống Agribank cũng như trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Với trên 267.000 khách hàng, trong đó có 3.600 khách hàng doanh nghiệp, còn lại là khách hàng cá nhân, để đáp ứng nhu cầu và giữ chân khách hàng, Agribank tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm và nhân tố con người làm hàng đầu, Ban giám đốc chi nhánh chú trọng công tác đào tạo nghiệp vụ, thay đổi căn bản cung cách, kỹ năng phục vụ, tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì thế, mỗi cán bộ, nhân viên của chi nhánh đều được tham gia các lớp đào tạo bài bản, áp dụng các giải pháp công nghệ liên tục đổi mới, đặc biệt là sự gắn bó, đồng hành và hỗ trợ khách hàng tối đa, kể cả việc hỗ trợ các nghiệp vụ ngoài tín dụng. Đó chính là lý do để khách hàng luôn gắn bó, chung thủy với Agribank.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Agribank Bình Dương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Agribank, áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể như: cơ cấu nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ; hạ lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu và áp dụng nhiều gói cho vay ưu đãi lãi suất, giảm phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng...
Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Agribank Bình Dương đã giảm lãi suất cho vay đối với 16.173 khách hàng, tổng số nợ đã được giảm lãi suất đạt hơn 20.300 tỷ đồng với tổng số tiền lãi hỗ trợ đạt 46,5 tỷ đồng. Mức giảm lãi suất từ 0,5% - 1,2%/năm đối với dư nợ VND và 0,3%/năm đối với dư nợ USD.
Bên cạnh đó, Chi nhánh đã tận dụng và áp dụng nhiều gói vay ưu đãi của Agribank để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, giúp giảm chi phí cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Chi nhánh đã giải ngân các khoản vay ưu đãi với tổng doanh số hơn 4.100 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 0,5% - 2,0%/năm, tổng số tiền lãi đã giảm đạt khoảng 13 tỷ đồng...
Ông Hoàng Xuân Nhật, Phó giám đốc Agribank tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, với sự tín nhiệm của khách hàng, bình quân mỗi cán bộ tín dụng của Agribank tỉnh Đồng Nai phải phụ trách quản lý trên 1.000 khách hàng. Đặc thù kinh tế tỉnh Đồng Nai phát triển mạnh cả về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nên chi nhánh đã chủ động về nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của tất cả các lĩnh vực kinh tế như sản xuất, chế biến, thương mại, dịch vụ, vận tải, tiêu dùng... và tất cả các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân…
Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng ngành nông nghiệp của Đồng Nai đóng góp rất lớn vào thành quả xuất khẩu nông sản chung của cả nước, luôn trong nhóm dẫn đầu về sản phẩm chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, đồ gỗ… Nhiều năm qua, kinh tế Đồng Nai phát triển mạnh mẽ, kéo theo thị trường tài chính, tín dụng sôi động cùng với khí thế làm ăn, phát triển kinh tế của đội ngũ nông dân làm ăn giỏi, năng động hàng đầu cả nước.
Xác định đầu tư cho “Tam nông” là nhiệm vụ trọng tâm, dư nợ tín dụng trong nông nghiệp - nông thôn của Agribank Đồng Nai luôn chiếm tới 75% tổng dư nợ. Tính đến hết tháng 6/2022 dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank Đồng Nai đạt gần 11.700 tỷ đồng, tăng 850 tỷ đồng so với năm 2021.
Nguồn vốn Agribank đã góp phần đưa nông nghiệp Đồng Nai dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về mức tăng trưởng với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 22,8 ngàn tỷ đồng, tăng 4,32% so cùng kỳ. Hiện Đồng Nai đang xuất khẩu nông sản tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Hàn Quốc, Trung Đông... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn Đồng Nai đặt kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái một năm phục hồi và nhiều thành công khi có nguồn vốn hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng.
Đồng hành và chia sẻ, với định hướng ưu tiên nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, không chỉ tại khu vực Đông Nam bộ, trên mọi miền đất nước, Agribank đã và đang cùng nền kinh tế tiếp tục tạo nên những bứt phá trên chặng đường mới.