Do vậy, Hà Nội cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, Hà Nội sẽ có thêm nhiều sản phẩm công nghệ chủ lực mới, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.
Lựa chọn có trọng điểm
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực. Doanh thu của 77 doanh nghiệp này năm 2020 ước đạt gần 200.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, ngoài các doanh nghiệp trong nước còn có 10 doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) với các thương hiệu toàn cầu như: Toto, Canon, Panasonic… có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Với mục tiêu phát triển chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, các công đoạn và các chi tiết sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, chương trình xét chọn của thành phố Hà Nội sẽ chú trọng các nhóm sản phẩm chủ lực và có thương hiệu uy tín thuộc các ngành: cơ khí, điện - điện tử, hoá nhựa, dệt may - da giầy, chế biến lương thực, thực phẩm.
Ông Đàm Chiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng có càng nhiều doanh nghiệp tham gia hơn nữa và là những doanh nghiệp mạnh và sản xuất đáp ứng nhu cầu xã hội. Có thể là những doanh nghiệp đầu đàn đối với lĩnh vực họ theo, Sở Công Thương có thể hỗ trợ từng doanh nghiệp để đăng ký hồ sơ".
Mặc dù vậy, theo các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm công nghệ chủ lực của thành phố Hà Nội đang bị đánh đồng với sản phẩm chất lượng thấp, điều này gây ra hệ lụy vô cùng phức tạp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực trên địa bàn Thủ đô đang phải đối mặt.
Theo ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty khóa Việt - Tiệp, việc triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghệ chủ lực chủ yếu mới lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch khác nên doanh nghiệp khó tiếp cận những chính sách hỗ trợ.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, các sản phẩm công nghệ chủ lực cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà. Mặc dù, mang danh hiệu sản phẩm công nghệ chủ lực nhưng việc chế tạo hầu hết sản phẩm vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Hơn nữa, năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm nội không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao.
Đồng quan điểm này, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thành phố Hà Nội phải xác định rõ sản phẩm nào là thế mạnh nên ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp xu thế phát triển.
Xây dựng chiến lược sản xuất
Mặc dù, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhưng nhiều mặt hàng công nghiệp chủ lực đang bị đánh đồng với sản phẩm chất lượng thấp. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ chủ lực.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ chủ lực, tới đây Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực; tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Đặc biệt, Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ chủ lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Đồng quan điểm này, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ, các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ chủ lực Hà Nội được tham gia và thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ của thành phố như: tuyên truyền quảng bá, tôn vinh sản phẩm; ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến, khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; được sử dụng logo của Chương trình sản phẩm công nghệ chủ lực phục vụ các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong các hoạt động của doanh nghiệp…
Nhưng theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, trước hết các doanh nghiệp cần có trách nhiệm phát triển chiến lược sản xuất kinh doanh, cải tiến mô hình tổ chức sản xuất công nghiệp để tối ưu hóa các nguồn lực đầu vào và nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nhằm mở rộng thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và hội nhập kinh tế.
Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tìm mọi giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ chủ lực như: triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển sản phẩm công nghệ chủ lực thành phố thông qua các chương trình khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.
Để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ chủ lực trở thành động lực phát triển kinh tế Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghệ chủ lực giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, UBND thành phố sẽ hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp.