Đồng hành cùng doanh nghiệp sau dịch COVID 19 - Bài cuối: Phát triển trong trạng thái bình thường mới

Trước đại dịch COVID-19, hơn ai hết, mỗi doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh tế cần ý thức việc tự chủ, “mình cứu mình”, tái cơ cấu hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.

Sau đó với các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, việc phụ hồi, duy trì và lấy đà phát triển đối với doanh nghiệp sẽ trở nên khả thi và thuận lợi hơn. Về dài hơi, doanh nghiệp sẽ vượt qua được khủng hoảng nếu nền kinh tế vĩ mô ổn định, vừa thực hiện được mục tiêu kép là phát triển kinh tế và kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội. TP Hồ Chí Minh, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, không nằm ngoài quy luật đó.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp có đông công nhân làm gia công đang cần hỗ trợ cả đầu ra lẫn đầu vào trong mùa dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Cơ hội chuyển đổi

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, giảm thâm hụt lao động. Chống dịch vẫn là mục tiêu quan trọng nhưng biện pháp thực hiện sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp để đạt được mục tiêu kép là kết hợp được sự phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; trong đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và của TP Hồ Chí Minh.

Theo chia sẻ của ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã “xoay chuyển” tình thế khá tốt, tận dụng cơ hội để sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ phòng chống dịch, sản phẩm thiết bị y tế, dịch vụ số cho doanh nghiệp, môi trường trực tuyến… nên ít ảnh hưởng, tăng trưởng tốt.

Tương tự, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm do nhu cầu sản phẩm thiết yếu tăng cao nên đã tận dụng cơ hội để sản xuất hết công suất, đưa thêm nhiều sản phẩm, đầu tư thêm công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày đã chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế để đi vào các thị trường lớn.

Để chủ động vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19; hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang môi trường kinh tế số; hướng dẫn, công khai các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, thành lập Tổ công tác giải cứu doanh nghiệp để theo dõi, đôn đốc, giải quyết và đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright đề xuất việc thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn triển khai cho nhiều dự án đầu tư công trọng điểm. Như vậy mới tận dụng được cơ hội, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế trong năm 2021, đảm bảo tính thanh khoản cho doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động. 

Chủ động để thích ứng

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động, kiên quyết, kiên trì phòng chống dịch bệnh, thực hiện các giải pháp từ ngắn hạn đến dài hạn để ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế, ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội cũng như chờ thời điểm lấy đà để phát triển trở lại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục chung tay phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, thành phố sẽ có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế du lịch với từng nước. 

Cùng với đó, việc số hoá tài nguyên của các doanh nghiệp, triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% các dự án, xây dựng Khu công nghệ cao giai đoạn 2, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đẩy mạnh đề án khởi nghiệp sáng tạo…

Hiện thành phố đang phải đối diện với một số vấn đề thách thức như vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng, việc vực dậy sức mua của thị trường nội địa, thời điểm mở cửa để phát triển du lịch quốc tế…

“Sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế thành phố là mệnh lệnh cần phải làm ngay”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay.

Theo người đứng đầu UBND TP Hồ Chí Minh, dù bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch COVID-19 nhưng kinh tế - xã hội thành phố vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2020 giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong GDP cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 4.270 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2019. Điều này cho thấy, thành phố vẫn có những yếu tố tích cực là tiền đề để tiếp tục phát triển nhanh hơn.

Trong thời gian tới, thành phố xác định chủ động chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch COVID-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020.

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với 5 nhóm nội dung. Cụ thể, thành phố hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp; trong đó, chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 đến tháng 6/2020), hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.

Đồng thời, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành; thực hiện các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp (tháng 5 đến tháng 12/2020). 

Mặt khác thành phố sẽ xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất có thể.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp riêng, UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam. UBND thành phố kiến cũng nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6/2020.

Với những nỗ lực “tự giải cứu” của doanh nghiệp, các chính sách quản lý kinh tế và hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương, thiệt hại kinh tế đối với doanh nghiệp trên cả nước đã được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội trong giai đoạn khó khăn tạm thời này để tái cơ cấu hoạt động, chuyển hướng kinh doanh phù hợp, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ để cầm cự, ổn định sản xuất, tiến tới hồi phục, lấy lại đà phát triển trong thời điểm “hậu COVID-19”, góp phần quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Xuân Tình - Mỹ Phương (TTXVN)
Đồng hành cùng doanh nghiệp sau dịch COVID-19 - Bài 3: Hỗ trợ về vốn và chính sách thuế
Đồng hành cùng doanh nghiệp sau dịch COVID-19 - Bài 3: Hỗ trợ về vốn và chính sách thuế

Ngoài yếu tố nhân lực, quản trị, điều cốt lõi, không thể tách rời đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp là vấn đề tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN