Đồng hành cùng doanh nghiệp sau dịch COVID-19 - Bài 1: Bài toán cho quản trị doanh nghiệp

Cả hệ thống chính trị đã và đang khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp sau dịch COVID-19, từ chính sách quản lý vĩ mô cho đến chính sách tài khóa, thuế, thủ tục hành chính… nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, ổn định sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện phục hồi cho doanh nghiệp.

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần bắt tay đánh giá lại toàn bộ quy trình vận hành doanh nghiệp vừa qua, cũng như tính hiệu quả công việc của đội ngũ người lao động. Song song đó, sau thời gian người lao động "sống chậm" khi thực hiện làm việc từ xa, ở nhà... trở lại với guồng máy bình thường, doanh nghiệp cần giải bài toán quản trị doanh nghiệp để đảm bảo chiến lược sản xuất, kinh doanh đã đặt ra.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp - TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

"Giữ chân" người lao động

Theo cuộc khảo sát của Công ty cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet), trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số hóa và cắt giảm chi phí vận hành công ty, đồng thời giải quyết bài toán về nhân sự hậu mùa dịch. Điều mà doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất hiện nay là làm sao có đủ nguồn thu để tồn tại và giữ nhân viên.

Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Talentnet cho rằng, công tác nhân sự “hậu COVID-19” là bài toán vừa khó vừa dễ. Cụ thể doanh nghiệp sẽ thuận lợi khi nguồn ứng viên dồi dào do lượng người lao động mất việc tăng, thái độ và sự cầu thị của ứng viên đối với vị trí tuyển dụng sẽ tốt hơn trước đây.

Tuy nhiên, khó khăn đối với nhà tuyển dụng là trong làn sóng dịch chuyển đầu tư sẽ có nhiều nhà đầu tư đến mở nhà máy, cơ sở sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, kéo theo nhu cầu tuyển dụng của một số ngành nghề đặc thù với sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến dành nhân tài. 

Dự báo doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoặc không tuyển một số vị trí trọng yếu do việc triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh năm 2020 có thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có xu hướng quyết định đầu tư vào đội ngũ nhân viên hiện tại, thay vì tuyển nhân sự mới trong khi bản thân người lao động cũng sẽ cân nhắc và thận trọng hơn đối với những cơ hội việc làm mới. 

“Điều quan trọng là nhà tuyển dụng cần có một kế hoạch tổng thể với sự phân bổ nguồn lực hợp lý thì mới tận dụng được cơ hội từ thị trường nhân lực; đồng thời, người lãnh đạo cần truyền cảm hứng cho người lao động, đào tạo cho nhân viên mình đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần có chính sách tưởng thưởng cho người lao động, xây dựng văn hóa và môi trường lao động linh hoạt nhằm tối đa hóa nguồn lao động hiện hữu và sử dụng lao động bên ngoài”, bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ. 

Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty Navigos Search (công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các doanh nghiệp sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi. 

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ lại nhân sự của mình. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cho biết, đến nay, NLG chưa phải cắt giảm nhân viên nào để giảm chi phí. Ngược lại, mọi kế hoạch tuyển dụng các nhân sự tài năng và tâm huyết vẫn đang diễn ra để đáp ứng kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh cho năn 2021-2022.

Việc gìn giữ con người giống hệt như những gì chúng tôi đã trải qua trong cuộc khủng hoảng 5 năm liên tục 2008-2012. Trong 5 năm này đã có lúc những nhà lãnh đạo cao cấp từ chối nhận lương nhưng vẫn không cắt giảm một nhân viên nào bởi chúng tôi luôn tin rằng "con người", đặc biệt là những nhân tài là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp.

Định hướng chính sách nhân lực sau dịch COVID-19, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, thành phố cần giữ cho doanh nghiệp không phá sản bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để người lao động không mất việc làm. Bởi lẽ nếu mất lao động, doanh nghiệp không thể phục hồi sản xuất. Thành phố có thể hỗ trợ thu nhập cho người lao động ít nhất là 3 - 4 tháng bằng gói hỗ trợ của Chính phủ và gói hỗ trợ riêng của thành phố. 

Gia tăng quản trị tài chính

Bên cạnh câu chuyện về nhân sự, theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc, tăng cường quản trị tài chính là giải pháp trọng yếu để doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Cụ thể, doanh nghiệp cần thu hồi nguồn vốn, dòng tiền về càng nhanh càng tốt để hạn chế rủi ro thay vì quá tập trung vào lợi nhuận trước mắt. 

Muốn vậy, người chủ doanh nghiệp phải kịp thời có chiến lược quản trị tài chính phù hợp với biến động của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp cần có chiến lược sản xuất kinh doanh khả thi, quản trị tài chính công khai, minh bạch...  để có thể sử dụng hiệu quả vốn vay từ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, nếu có kế hoạch kinh doanh với định hướng chiến lược rõ ràng, có chiến lược quản trị tài chính tốt thì doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn khi tiếp cận các tổ chức tài chính và nguồn vốn vay, có thể phòng, chống những rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử lý được khủng hoảng khi có đột biến thị trường.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, dịch COVID-19 ngoài thách thức còn là cơ hội để tái cấu trúc kinh tế lại theo hướng hiệu quả, bền vững, doanh nghiệp tái cơ cấu để thích ứng và hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn. 

Giáo sư, tiến sĩ Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, có thể tái cấu trúc lại doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào chuỗi giá trị, định hướng về thị trường, nhất là thị trường nội địa. Đồng thời, khôi phục và khai thác những sản phẩm hiện có, thay đổi phương thức kinh doanh, phát triển sản phẩm hiện có sang thị trường mới nhất là ngành công nghiệp chế biến. 

Còn theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 là khó khăn lớn, nhưng chưa phải là dấu chấm hết đối với doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc; trong đó, coi trọng việc chuyển đổi công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều nước đang chuyển đổi công ty từ một số nơi; trong đó, có Trung Quốc về các nước Đông Nam Á nên đây sẽ là cơ hội đối với cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngay từ lúc này cần xác định kịch bản cho thời điểm “hậu COVID-19” là giai đoạn tăng cường xuất khẩu mặt hàng thực phẩm lương thực cho châu Âu và Mỹ là những thị trường hiện căng thẳng chuỗi cung ứng thực phẩm. Muốn vậy, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường thông qua việc đàm phán với các quốc gia hiện không có dịch COVID-19 hoặc kiểm soát dịch tốt đễ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận; đồng thời, đưa ra dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm nhằm định hướng và đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Bài 2: Khởi động lại với mô hình kinh doanh mới 

Xuân Tình - Mỹ Phương (TTXVN)
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Những rủi ro tiềm ẩn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Những rủi ro tiềm ẩn

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 phát triển nhanh, đặc biệt là sự gia tăng rất mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Không có khả năng phân tích tình hình tài chính và rủi ro của doanh nghiệp sẽ là một trong những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN