Trước thực tế này, dịch COVID-19 chính là “hiểm họa” của các doanh nghiệp khi dịch tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, vấn đề tìm “lối ra" đang là “bài toán” nan giải đối với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tìm cơ hội chuyển đổi số
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được cho là trụ cột của xã hội tương lai. Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động do dịch COVID-19 và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, nhưng các nền tảng số như Amazon, eBay, Alibaba… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh. Một số nghiên cứu cho rằng tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến với dịch COVID-19.
Hiện nhiều doanh nghiệp, startup có nguồn vốn “hạn hẹp” trong kinh doanh, đã thay vì tốn chi phí tiếp cận người dung, họ đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số bằng cách thay vì sử dụng trang mua hàng họ đã tiết kiệm chi phí hiệu quả bằng cách tích hợp trên nền tảng messenger hay chọn cách “ký sinh trên người khổng lồ” đã có sẵn hàng chục triệu người dùng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trước cảnh "đứt cung, gãy cầu", Chính phủ cùng ngành khoa học và công nghệ đồng hành với tất cả doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tâm thế "trường kỳ kháng chiến", tinh gọn bộ máy để giảm chi phí tối đa bởi giai đoạn này quan trọng nhất quyết định doanh nghiệp sống và tồn tại.
Ông Lê Anh Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam cho biết: Nền tảng Chatbot có thể ứng dụng cho đa dạng lĩnh vực cũng như đối tượng từ cá nhân đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn. Nền tảng Chatbot hiệu quả trong việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, nền tảng Chatbot cũng có thể ứng dụng với các dự án xã hội, các sự kiện, các tổ chức công. Công ty cũng tạo ra các gói chính sách bán hàng mới để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong mùa dịch.
Công ty Cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam hướng tới trở thành nền tảng nhắn tin chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và nhà kinh doanh tại Đông Nam Á thông qua các nền tảng OTT (Messenger, Zalo, Whatsapp...). Xây dựng và Chuyển đổi khách hàng tiềm năng, tạo hành trình khách hàng dựa trên tin nhắn và tương tác của khách hàng, giúp doanh nghiệp và nhà kinh doanh tăng trưởng doanh thu…
Ứng dụng AI phục hồi hoạt động của doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, xác định mục tiêu, tái cấu trúc quy trình hoạt động, tự động hóa để dự đoán nhu cầu thị trường... Việc đẩy mạnh ứng dụng AI nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi chuỗi đứt gãy trong cung cấp hàng hóa, đồng thời, thúc đẩy các nền tảng hệ thống trực tuyến, vì vậy, chuyển đổi số đang ngày càng ứng dụng rộng rãi trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0.
Trí tuệ nhân tạo có thể len lỏi mọi ngành, lĩnh vực, điển hình AI đã được ứng dụng trong việc điều trị, thăm khám từ xa giúp các bệnh nhân giao tiếp, trao đổi với bác sĩ, sử dụng hệ thống hỏi đáp tự động băng ngôn ngữ tự nhiên… AI cũng được ứng dụng trong khai khoáng mỏ địa chất, tự động phân tích ảnh 3D khi khảo sát vùng mỏ; dự báo điều kiện thời tiết từ 0-6 giờ… Al cũng bước đầu được ứng dụng để xây dựng hệ thống khai báo y tế liên quan dịch COVID-19, ứng dụng trong khai báo tại sân bay… Ngoài ra, AI còn cho nhiều thành tựu trong lĩnh vực dịch vụ dịch thuật, thành phố thông minh, quản lý đô thị, giao thông.
Thiết thực nhất trong việc ứng dụng AI thời dịch COVID-19 là các hệ thống ngân hàng, bảo hiểm… đã đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ, làm việc từ xa, gặp mặt khách hàng trực tiếp từ xa, giảm được chi phí đi lại, thời gian mà vẫn đạt hiệu quả. Đặc biệt, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng online banking trong giao dịch nhằm phục hồi và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu thị trường giảm, khách hàng có tâm lý tiết kiệm tiền cũng như sẽ phải sống chung với dịch lâu dài nên cắt bỏ các khoản chi như mua sắm, du lịch, dành tiền cho các khoản nhu yếu phẩm cần thiết. Vì vậy, dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế sẽ chậm hơn, ít hơn và cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Chi phí doanh nghiệp lớn nhưng doanh thu sụt giảm đáng kể, gây nên khó khăn về tài chính. Do vậy, doanh nghiệp cần dự báo sản lượng bán khả thi trong mùa dịch COVID-19, chi phí đầu tư, vốn, nguồn lực nhân sự… để tập trung vào những sản phẩm tiềm năng, chất lượng tốt, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, cắt bỏ những chi phí không cần thiết để tinh gọn hơn.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ban hàng tháng 4/2020 cũng hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính, không cân đối được nguồn trả lương cho người lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch COVID-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ban hành tháng 4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất… Doanh nghiệp được ưu đãi giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến hết tháng 6 và bắt đầu nộp thuế tháng 8 (cho kỳ kê khai tháng 7), các tháng 3,4,5,6 sẽ nộp từ các tháng 9,10,11,12. Ngoài ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020, góp phần này giúp các doanh nghiệp giảm chi phí…