Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản chủ trì tổ chức làm việc giữa Tổ công tác và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để nắm bắt các khó khăn vướng mắc cụ thể còn tồn tại, tổng hợp, kiến nghị bộ, ngành và Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp chế biến hạn chế hoạt động đang là một trong những mắt xích quan trọng trong cả chuỗi, do vậy, các đối tượng thủy sản đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thu hoạch được. Trước bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp đã có kiến nghị với Bộ Công Thương giảm tiền điện và việc này đã được thực hiện nhưng đối tượng, tỷ lệ giảm còn hạn chế.
Về việc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang đề nghị hàng hoạt chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, điều này cũng đã được Chính phủ ghi nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành đang từng bước giải quyết. Nhưng, nếu không giải quyết đồng bộ, nhanh chóng thì nguồn nhân lực cho các nhà máy hoạt động trở lại đang là bài toán và việc bắt đầu vụ sản xuất mới cũng khó khăn.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, các khó khăn bởi dịch COVID-19 đều tác động đến đầu ra của sản phẩm và theo đó, nhìn vào giá đầu ra có thể đánh giá được sự tác động này. Điển hình như sản phẩm tôm ở địa phương đã giảm từ 8.000-23.000 đồng/kg tùy loại. Nông dân hòa vốn, thậm chí thua lỗ và nhận định của một số người là chuỗi sản xuất tôm có khả năng gãy đổ.
Bên cạnh đó, khai thác hải sản đang chịu ảnh hưởng từ đất liền. Mực tươi, mực khô các loại có giá giảm 30%; cá các loại giảm từ 20-29%. Để duy trì lực lượng khai thác trên biển rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Theo VASEP, trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông Nam Bộ đóng cửa. Tất cả doanh nghiệp khảo sát đều cho rằng, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất trong thời gian ngắn, không thể kéo dài hơn 1 tháng.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, sau 4 tuần áp dụng “3 tại chỗ”, tỉnh Sóc Trăng vận dụng thực thi Chỉ thị 16/CT-TTg theo cách riêng, lấy xã, phường làm phòng tuyến chống dịch. Xã phường còn an toàn (vùng xanh) có thể đi lại tham gia sản xuất và hàng hoá lưu thông. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty hoạt động trở lại trạng thái khá bình thường. Hiện nay, công ty đã đạt khoảng 80% công suất so với trước dịch.
Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là vấn đề y tế nội bộ phòng chống dịch và thiếu lao động. Bên cạnh đó, rủi ro dịch bệnh không nhỏ nên 3 ngày công ty phải kiểm tầm soát PCR cho 20% lao động. Công ty phải đang thông báo tuyển thêm để bù đắp lao động thiếu.
Theo ông Hồ Quốc Lực, chuỗi giá trị con tôm chỉ bền vững khi các mắt xích tương đối đồng bộ. Việc phong tỏa kéo dài, dân đi lại cũng như vận chuyển vật tư sản xuất cho ao tôm là khó khăn lớn. Tôm thu hoạch nhưng vận chuyển khó khăn sẽ bị mua giá giảm bù vào chi phí… nên nếu kéo dài phong tỏa sẽ đứt gãy khâu nuôi tôm.
Một doanh nghiệp chế biến cá tra lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (xin dấu tên) cho biết, do tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp duy trì sản xuất được khoảng từ 20-30%. Mô hình “3 tại chỗ” đang được doanh nghiệp duy trì tốt. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng lo ngại dịch bệnh nên dù doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” tốt cũng không cho hoạt động nhiều.
Nguyên liệu cá tra của doanh nghiệp đa số tự cung tự cấp và liên kết nên đang được đảm bảo tiêu thụ hết. Do đó, việc tái đầu tư cho nuôi trồng vẫn đảm bảo tốt. Hiện một số địa phương vẫn có những áp dụng những chính sách riêng nên doanh nghiệp vẫn khăn trong lưu thông. Doanh nghiệp mong muốn các địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện ổn định sản xuất, quan trọng nhất là nguồn lực, giao thông thông thoáng hơn.
“Doanh nghiệp không thể cam kết 100% đảm bảo an toàn dịch bệnh. Doanh nghiệp cũng đang rất cố gắng đảm bảo an toàn dịch dịch, sản xuất cao nhất”, đại diện doanh nghiệp trên nêu vấn đề.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, lãi suất, tiền điện… nhưng doanh nghiệp mong muốn, Nhà nước cùng đồng hành với doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tình trạng hiện nay để ổn định sản xuất trở lại.
Kể về mô hình bao lợi nhuận trong sản xuất lúa của Tập đoàn Lộc Trời, ông Lê Văn Sử cho biết, doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí, đảm bảo lợi nhuận sau sản xuất. Như vậy, nông dân được đảm bảo lợi nhuận cho mọi tình huống. Doanh nghiệp đã bảo hiểm cho nông dân và nông dân cũng không phải lo chi phí sản xuất. Ngân hang cũng không phải lo cho nông dân vay vốn mà chỉ cần cho doanh nghiệp vay.
Từ mô hình trên, ông Lê Văn Sử kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn người dân qua doanh nghiệp. Bởi, nếu doanh nghiệp nhận được hỗ trợ thì sẽ duy trì được sản xuất, hỗ trợ lại nông dân, tránh sự gãy đổ các chuỗi sản xuất.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc tăng dư nợ cho vay cho các doanh nghiệp đủ năng lực hoạt động để mua trữ cho các trang trại, nông dân chưa được xúc tiến mạnh mẽ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính: duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.
Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường. Cùng đó, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Bộ Giao thông vận tải cũng cần có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa. Xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.