Cách đây một năm, khi ông David Marcus, người đứng đầu mảng ứng dụng nhắn tin của Facebook, được bổ nhiệm làm giám đốc của một dự án công nghệ blockchain (chuỗi khối), các nhà phân tích đã suy đoán rằng Facebook sẽ phát triển một hệ thống thanh toán toàn cầu. Suy đoán của họ đã trở thành hiện thực khi vào ngày 18/6, Facebook chính thức công bố thông tin về đồng tiền số Libra như một nỗ lực mở rộng hoạt động sang mảng tài chính và thanh toán điện tử của “người khổng lồ” mạng xã hội này.
Kể từ đó tới nay, giới chuyên gia vẫn tập trung tìm hiểu và phân tích về đồng đồng tiền này với cả sự hứng thú lẫn hoài nghi. Liệu nó sẽ thành công trở thành một đồng tiền số chủ lưu hay sẽ có số phận như Bitcoin - một đồng tiền “ảo” nổi tiếng nhưng số người dùng hạn chế và bị các chính phủ dè chừng?
Libra - Một đồng bitcoin mới?
Khi có những đồn đoán ban đầu về Libra, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là một đồng tiền tương tự như Bitcoin và những cái tên nổi danh khác trên thị trường tiền tệ số. Nhưng theo tài liệu chính thức do Facebook công bố, mặc dù Libra sẽ sử dụng công nghệ blockchain nhưng nó không chia sẻ triết lý của Bitcoin.
Đầu tiên, Libra là một “stablecoin” được định giá theo một rổ tiền tệ và tài sản thuộc sở hữu của các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới. Về lý thuyết, điều này có thể giúp Libra hạn chế những biến động tỷ giá lớn như Bitcoin đã từng trải qua. Nó cũng đồng nghĩa nhiều khả năng Libra sẽ chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý và có thể phải tuân theo các bộ quy tắc khác nhau ở nhiều quốc gia khác nhau.
Một điều khác biệt nữa giữa Bitcoin và Libra là hệ thống blockchain và các “nút” (hay còn gọi là “thợ đào” đối với Bitcoin) hỗ trợ cùng xác thực các giao dịch của Libra sẽ ở chế độ riêng tư. Khác với ý tưởng phi tập trung hóa rất phổ biến của các đồng tiền điện tử phổ biến, vận hành mỗi “nút” trong hệ thống thanh toán Libra sẽ do các thành viên của Hiệp hội Libra phụ trách.
Để tham gia Hiệp hội này, mỗi thành viên sẽ phải đầu tư 10 triệu USD và họ sẽ có một phiếu biểu quyết các vấn đề liên quan tới Libra. Facebook cho biết mạng lưới Libra sau này sẽ được công khai và phi tập trung, nhưng họ chưa thiết lập bất kỳ cơ chế hoặc thời gian biểu đáng tin cậy nào cho việc này.
Mặt khác, hệ thống thuật toán của Libra sẽ không phải là Proof of Work (PoW) như Bitcoin. PoW giúp các "thợ đào" giải quyết những phương trình toán học phức tạp và đồ sộ trong quá trình “đào” bitcoin. Nhưng vấn đề của PoW nằm ở chỗ nó yêu cầu rất nhiều năng lượng cung cấp cho một hệ thống máy tính khổng lồ nhằm giúp các "thợ đào" nhanh chóng có được đáp án tối ưu nhất. Về khía cạnh sinh thái, PoW rất đắt đỏ và gây nhiều tác động xấu đến môi trường.
Thay vào đó, thuật toán của Libra sẽ là Proof of stake (PoS). Trong hệ thống này, các “thợ rèn” (tương tự như thợ đào của PoW) góp cổ phần vào loại tiền tệ kỹ thuật số cụ thể để xác định khối giao dịch khả thi của họ. PoS không yêu cầu một lượng tài nguyên đồ sộ như PoW vì người tham gia chỉ cần chứng minh họ sở hữu một tỉ lệ cổ phần của loại tiền tệ kỹ thuật số mà họ đang đầu tư.
Tham vọng, nhưng có khả thi?
Có thể thấy, dự án tiền ảo Libra của Facebook là một dự án cực kỳ tham vọng. Nếu thành công, Libra sẽ có thể làm thay đổi hoàn toàn hoạt động thanh toán truyền thống của lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời có thể đe dọa lật đổ sự thống trị của mạng lưới thanh toán toàn cầu dựa vào thẻ tín dụng. Hiện nay, Facebook có lượng người dùng trung bình hàng ngày hơn 1,5 tỷ người và nhiều người trong số họ sống ở các nước đang phát triển, nơi các nền tảng mạng xã hội là “xương sống” của thương mại điện tử.
Nhưng con đường sắp tới của Libra vẫn còn nhiều chông gai khi chỉ trong vòng chưa đầy một ngày sau khi chính thức hé lộ dự án tiền ảo Libra, Facebook đã ngay lập tức vấp phải rào cản của các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu.
Quốc hội Mỹ đã yêu cầu đại diện của Facebook phải điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ nhằm làm rõ kế hoạch về đồng Libra. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Maxine Waters cũng kêu gọi Facebook tạm dừng kế hoạch phát hành Libra cho đến khi Quốc hội và các cơ quan quản lý có thể nghiên cứu kỹ hơn.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng một đồng tiền số không bao giờ thay thế được đồng tiền chính thức của các quốc gia. Do đó ông Le Maire cho rằng cần phải có các đảm bảo mạnh đối với việc sử dụng các loại tiền điện tử để chúng không bị sử dụng vào mục đích xấu, ví dụ như tài trợ cho khủng bố hoặc các hoạt động phi pháp. Một số quan chức khác của châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo các công tác quản lý phải cẩn trọng với đồng tiền này.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng Facebook cần thông tin rõ ràng hơn về những gì các nhà đầu tư sẽ nhận được từ dự án này bởi 10 triệu USD không phải một số tiền nhỏ. Nếu những đồn đoán nêu trên trở thành sự thật, mỗi công ty tài trợ phát triển cho Libra sẽ có quyền truy cập đầy đủ vào tất cả dữ liệu giao dịch, thậm chí thông tin cá nhân của người dùng.
Facebook đặt mục tiêu đưa Libra trở thành một phương thức thanh toán phổ biến, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn và dễ tiếp cận hơn đối với người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là những đối tượng chưa có điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Song hãy nhìn lại những bài học trước đó. Bitcoin trong suốt một thập niên qua đã được kỳ vọng sẽ thành một công cụ thanh toán mới, nhưng cho tới hiện tại nó vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các giao dịch với số lượng người dùng dao động từ 7 - 25 triệu người. Chính Facebook cũng từng thất bại với tham vọng tương tự. Một thập kỷ trước, Facebook đã từng muốn thiết lập một hệ thống thanh toán trực tuyến “an toàn và bảo mật” dành cho người dùng của mình thông qua Facebook Credits. Dự án này đã bị ngừng lại sau ba năm triển khai.
Hiện không ai có thể khẳng định liệu Libra sẽ thành công hay thất bại. Nhưng một điều chắc chắn là Facebook sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán nan giải bao gồm vừa thỏa mãn các nhà quản lý, thu hút đủ số lượng người dùng, vừa làm hài lòng các nhà đầu tư và có giải pháp cho các vấn đề không thể lường trước được.