Theo đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, doanh nghiệp có hệ thống cấp đông, nhưng công suất chỉ khoảng 1 tấn/ngày, sản phẩm cấp đông chủ yếu phục vụ cho việc chế biến. Doanh nghiệp đang xây dựng lò giết mổ và kho cấp đông mới tại TP Hồ Chí Minh, nhưng dự kiến phải đến tháng 9/2019 mới hoàn thành.
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Co.opmart Biên Hòa (Đồng Nai) cho rằng, Co.opmart Biên Hòa có hệ thống kho lạnh nhưng là để trữ nhiều mặt hàng chứ không riêng thịt lợn. Hệ thống kho chỉ có thể làm mát thực phẩm, không thể cấp đông ở mức âm 40 độ C đến âm 50 độ C.
Theo các doanh nghiệp, siêu thị, hiện nay, mục tiêu cấp đông thịt lợn là để đảm bảo nguồn cung trong tình hình dịch bệnh chứ không mang tính lâu dài. Việc cấp đông nếu chỉ dựa vào nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp là không khả thi. Bởi doanh nghiệp thiếu năng lực kho bãi và máy móc. Giải pháp phù hợp nhất là doanh nghiệp sẽ phối hợp cùng ngành chức năng Đồng Nai thuê kho lạnh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh để cấp đông thịt lợn.
Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ và các siêu thị trên địa bàn tỉnh tìm giải pháp thực hiện cấp đông thịt.
Ông Lộc khẳng định, cấp đông thịt lợn trong thời điểm này là rất cần thiết, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường, đặc biệt là thời điểm cuối năm, song việc này rất khó khăn. Hiện, trên địa bàn Đồng Nai chưa có doanh nghiệp nào có hệ thống kho lạnh và máy móc cấp đông đủ đáp ứng nhu cầu.
Khảo sát của Sở Công Thương Đồng Nai cho thấy, doanh nghiệp chăn nuôi, siêu thị trên địa bàn đồng ý phối hợp cùng chính quyền thực hiện cấp đông thịt lợn. Tới đây, Sở Công Thương Đồng Nai sẽ nghiên cứu, tham mưu chính sách, cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước khi doanh nghiệp tham gia cấp đông.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai nhìn nhận, hiện dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin đặc trị, ngành chăn nuôi phải tìm cách thích ứng với dịch bệnh. Cấp đông thịt lợn là giải pháp tạm thời, cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch do vi rút dịch tả lợn châu Phi có thể sống trong môi trường cấp đông đến 1.000 ngày. Để đảm bảo nguồn thịt cấp đông sạch và an toàn, lợn trước khi đưa vào giết mổ sẽ được xét nghiệm huyết thanh, chỉ cấp đông những con lợn không nhiễm dịch bệnh.
Theo ông Quang, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp tục lây lan ở Đồng Nai. Đến nay, có 8 xã thuộc 4 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch, số lượng lợn bị tiêu huỷ là gần 2.000 con. Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, trước đây chỉ có hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lợn mắc bệnh, thì nay dịch đã xuất hiện tại trang trại lớn (gần 1.000 con, thuộc huyện Vĩnh Cửu).
Từ khi dịch xuất hiện, người chăn nuôi ở Đồng Nai liên tục giảm đàn, nhiều hộ không tái đàn. Đến nay, tổng đàn lợn của Đồng Nai chỉ còn khoảng 2 triệu con, giảm 500.000 con so với thời điểm đầu tháng 4/2019.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng Đồng Nai đã lập hàng chục trạm kiểm dịch động vật, kiểm soát toàn bộ lợn lưu thông trên địa bàn tỉnh, thực hiện tiêu độc, khử trùng, kêu gọi người dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.