Bảng tỷ giá giữa đồng ruble và USD, đồng ruble và euro tại Moskva ngày 12/8/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Oleg Shibanov, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Khoa học Tài chính tại trường Đại học Kinh tế mới có trụ sở ở Moskva, cho rằng tại thời điểm này, thị trường dầu đang có xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Vì vậy đồng ruble sẽ còn tiếp tục đi xuống.
Đồng ruble đã giảm giá gần 7% trong tháng 12 - mức giảm lớn thứ hai trong số các đồng tiền của các nước đang phát triển. Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí, nguồn tài nguyên đóng góp 50% nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Giá dầu đã giảm hơn 60% kể từ tháng 6/2014 với dầu thô Brent hiện đang giao dịch quanh mức 36 USD/thùng.
Chuyên gia Shibanov dự đoán giá dầu dưới 25 USD/thùng sẽ làm ngân sách thâm hụt nặng nề và sẽ dẫn đến việc đồng ruble tiếp tục mất giá. Ngoài ra, Nga còn phải đối mặt với tình trạng "chảy" vốn, chủ yếu là do lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt đối với nước này do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết có khoảng 50,2 tỷ USD "chảy" khỏi đất nước trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, so với con số 105,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận về sức ép có thể đối với kinh tế Nga do quyết định tăng lãi suất chủ chốt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần trước, Phó giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học quốc gia Moskva Oleg Buklemishev cho rằng động thái của FED đã được dự đoán từ trước, song các phản ứng thị trường ở Nga dường như không mạnh.