Phát biểu trong lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Lễ hội cá tra được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, mà còn cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực; giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương; khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Đồng thời, đây cũng là dịp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành thủy sản.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, trước đây, cá tra giống được đánh bắt trong tự nhiên và sau này được ương nhân tạo thành công đã cung cấp nguồn giống dồi dào và phát triển thành loài cá nuôi ao, lồng bè trải rộng khắp đồng bằng sông Cửu Long. Loài cá này không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người.
Lễ hội cá tra lần này diễn ra trong 2 ngày (16 và 17/12), với nhiều hoạt động như chương trình văn nghệ trong lễ khai mạc và bế mạc; tôn vinh những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra; tổ chức yến tiệc cá tra; hóa trang - diễu hành; thả ngư đăng trên sông; thả cá ra sông; hội thi ẩm thực từ cá tra; tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra; triển lãm, trưng bày các sản phẩm ngành hàng cá tra và sản phẩm OCOP…
Trong khuôn khổ Lễ hội còn có hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022; hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký hết hợp tác và tọa đàm của ngành khuyến nông Việt Nam.
Vùng Hồng Ngự trước đây, bao gồm thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp nằm ở khu vực thượng nguồn sông Cửu Long. Từ những năm 1960, người dân vùng biên Hồng Ngự biết đến con cá tra. Bà con bắt cá tra giống tự nhiên từ sông Cửu Long rồi thuần dưỡng, chở đi bán khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhờ ứng dụng tiến bộ của khoa học, người dân Hồng Ngự đã cho sinh sản cá tra giống nhân tạo.
Khởi nguồn từ vùng Hồng Ngự, theo thời gian, dù phải trải qua không ít thăng trầm nhưng nghề nuôi cá tra vẫn phát triển ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là Đồng Tháp và An Giang. Đến nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ước cả năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha; sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, những kết quả trên có sự đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra, tinh thần vượt khó để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương xử lý những khó khăn, rào cản từ thị trường nhập khẩu; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ, khích lệ người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, cá tra được xác định là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đối khí hậu.
Riêng tại Đồng Tháp, tính đến tháng 11/2022, diện tích lũy kế nuôi cá tra ước đạt 2.450 ha với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra phi-lê đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn 500.000 tấn/năm, thu hút trên 25.000 lao động.