Mặc dù là công trình, dự án lớn, được thực hiện khẩn trương trong thời gian ngắn nhưng nhờ có chủ trương đúng và tuyên truyền tốt nên bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong tỉnh.
Áp giá đền bù hỗ trợ cao
Gần đây, các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đang nhanh chóng niêm yết công khai áp giá bồi thường, thực hiện họp dân công bố phương án áp giá đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án cao tốc. Qua công bố phương án hỗ trợ, đền bù, hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng thuận cao với mức giá đền bù, hỗ trợ.
Ngày 22/5/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định áp giá đền bù hỗ trợ với các tổ chức cá nhân có diện tích đất bị thu hồi để xây dựng tuyến cao tốc. Theo đó, giá đền bù giải phóng mặt bằng dự án cao tốc trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú, nơi cao nhất là 7.875.000 đồng/m2 và thấp nhất là 56.900 đồng/m2. Tùy theo từng loại đất (đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm…), vị trí đất (tiếp giáp Quốc lộ 1A, đường tỉnh lộ, huyện lộ, kênh thủy lợi…) sẽ có mức giá bồi thường tương ứng, đảm bảo người dân nhận tiền bồi thường đúng theo từng loại, vị trí đất đã được phê duyệt.
Ông Châu Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự án cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia và là công trình đặc biệt quan trọng của Sóc Trăng, vì vậy trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tỉnh đã xác định giá đất được đảm bảo theo quy trình chặt chẽ như: điều tra, khảo sát xác định giá đất (cơ bản phù hợp với giá đất phổ biến của thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân), thông qua hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất. Ngoài bồi thường về đất, người có đất bị thu hồi phục vụ dự án cao tốc còn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định như: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ tái định cư…
Theo ông Đặng Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất thực hiện dự án cao tốc trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên là 475 hộ, thuộc địa bàn thị trấn Mỹ Xuyên, xã Tham Đôn và xã Đại Tâm; trong đó, tuyến chính cao tốc là 5 hộ (thị trấn Mỹ Xuyên 34 hộ, xã Tham Đôn 95 hộ và xã Đại Tâm 256 hộ); cầu vượt cao tốc là 90 hộ (thuộc thị trấn Mỹ Xuyên)… Tính đến ngày 23/5, Khu tái định cư xã tại xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) đã thực hiện hoàn thành thu hồi đất và chi trả tiền cho 11 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú thông tin, tuyến đường cao tốc qua địa bàn huyện Mỹ Tú với chiều dài hơn 23km, có 601 hộ dân và 2 tổ chức bị ảnh hưởng, tổng diện tích thu hồi lên tới 126ha. Để có sự chủ động, huyện Mỹ Tú đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền nên việc công bố thông tin về
giá đất của UBND tỉnh, huyện và tổ chức công bố áp giá đền bù, hỗ trợ đã được bà con đồng tình rất cao. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ thắc mắc về giá, về mức hỗ trợ hoặc cách sử dụng những phần đất còn lại sau khi thu hồi còn lại... Vấn đề này, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích cụ thể tới từng trường hợp để hộ dân hiểu và đồng thuận với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng của UBND tỉnh đề ra.
Ông Lê Thanh Hòa, Chủ tịch UBND xã Viên An (huyện Trần Đề) cho biết, dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua huyện Trần Đề); trong đó, địa bàn xã Viên An có 62 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng, với diện tích đất thu hồi 158.494m2. Hiện đã tổ chức niêm yết 41/62 phương án đền bù. Kết quả có 40/41 hộ đồng ý với phương án áp giá và đồng ý ký tên nhận bồi thường, hỗ trợ. Dự kiến chiều ngày 29/5 tới, sẽ tổ chức chi trả tiền cho người dân. Đối với hộ chưa đồng ý, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích; 21 hộ, tổ chức chờ xin chủ trương vì thuộc diện hỗ trợ khác.
Người dân đồng thuận
Chiều ngày 26/5, được mời lên UBND xã dự họp công bố Phương án áp giá đền bù giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, đoạn qua xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng, ông Lý Phú Sang (xã Phú Mỹ) cho biết, hộ gia đình ông có diện tích thu hồi để làm đường lên tới 9.300 m2 đất trồng lúa. Qua bảng áp giá đất, hộ gia đình ông được nhận tổng hỗ trợ bồi thường trên 1 tỷ đồng, ông thấy Nhà nước áp giá và hỗ trợ như vậy là cao so với thực tế nên ông rất đồng tình ký nhận vào bản áp giá.
Theo ông Sang, sau khi nhận tiền, gia đình sẽ đi mua lại đất nơi khác để tiếp tục sản xuất, ông cũng mong tuyến đường sớm hoàn thành, để giao lưu hàng hóa, giao thương và phát triển thuận lợi phục vụ lại người dân bà con quê mình tốt hơn...
Còn ông Lâm Văn Đẹt, ấp Cần Giờ 2 (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) có tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 360m2, gia đình ông được bồi thường trên 1,2 tỷ đồng.
Theo ông Đẹt, đất bị thu hồi được bồi thường ở 3 mức giá khác nhau tùy theo vị trí đất; trong đó, cao nhất là 2.232.000 đồng/m2 thuộc loại đất ở nông thôn tiếp giáp đường huyện 57 (đoạn từ giáp đường 936 đến giáp ranh thành phố Sóc Trăng), với mức giá này, ông và gia đình rất hài lòng...
Ông Trương Minh Luân ở ấp Bưng Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề cũng có trên 9.000m2 đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi Dự án cao tốc đi qua địa bàn, cùng với đất còn có nhiều loại cây hoa màu của gia đình bị ảnh hưởng nhưng ông vẫn vui vẻ giao đất cho dự án và chấp nhận tổng mức bồi thường trên 1 tỷ đồng. Theo ông Luân, giá bồi thường của Nhà nước chấp nhận được, nếu so với giá bồi thường của một công trình thực hiện tại địa bàn xã trước đây là cao hơn, nên ông và nhiều bà con nhất trí đồng thuận.
Cùng với nhận hỗ trợ, bồi hoàn, người dân còn được một số quyền lợi khác như hộ ông Lý Sơn, ở ấp Bưng Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề, ngoài tiền bồi thường cho gần 6.300m2 đất nông nghiệp trị giá gần 400 triệu đồng, ông Lý Sơn còn nhận được trên 335 triệu đồng chính sách hỗ trợ để đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm... Tổng cộng là gần 735 triệu đồng, tính ra mỗi công đất (1.000m2) ông được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ trên 116 triệu đồng, mức giá này cao hơn gần gấp đôi giá thực tế 1 công đất bán trước khi có dự án đi qua.
Tỉnh Sóc Trăng đang phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt tiến độ 70% vào trước ngày khởi công dự án cao tốc, dự kiến vào ngày 17/6/2023, phần còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2023.