Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, việc giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành, đã bàn giao được 143,2 km, đạt 99%; trong đó, tỉnh Bình Định đã bàn giao 100% mặt bằng, tỉnh Gia Lai đã bàn giao 126,2 km trong tổng số 126,3 km.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), trên phạm vi mặt bằng đã bàn giao vẫn còn một số vị trí vướng mắc cục bộ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bình Định còn 2 vị trí hạ tầng kỹ thuật (trụ điện) tại đoạn Km 50+00 ÷ Km 54+00 và Km 64+800 (đèo An Khê) chưa được di dời. Hai vị trí này ảnh hưởng đến tiến độ thi công cầu Ba La, Bàu Sen.
Bên cạnh đó, khoảng 1 km (đoạn Km 52+00 - Km 53+00) còn vướng 4 hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường ảnh hưởng công tác thi công bê tông nhựa và mặt bằng thi công đường gom khu vực cầu Ba La chưa được bàn giao để thi công đường công vụ.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn 100m (Km 13+400 - Km 13+698, gói thầu XL-02) thuộc xã Cư An, huyện Đắk Pơ chưa bàn giao mặt bằng do vướng 2 hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường hỗ trợ; 150m đường gom phạm vi đường đầu cầu Thanh Bình (Km 202+400, gói thầu XL-06) thuộc xã Bình Giáo, huyện Chư Prông và 1 vị trí đường điện tại nút giao cuối tuyến tránh thành phố Pleiku (Gói thầu XL-04B) chưa được di dời.
Ngoài ra, dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp để triển khai thi công; trong đó, gói thầu XL02 thiếu khoảng 40.000 m3 đất đắp nền; gói thầu XL04A thiếu khoảng 30.000 m3 đất đắp nền.
Bộ Giao thông vận tải đã có các văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Song, đến nay, việc gia hạn thời gian và cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp vẫn chưa được tháo gỡ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh Bình Định, Gia Lai tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án 2 giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ cho dự án triển khai thi công.
"UBND tỉnh Gia Lai cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết thủ tục liên quan đến gia hạn thời gian và cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp sử dụng cho dự án", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, tính đến nay, sản lượng thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đã đạt 74% giá trị hợp đồng; trong đó, gói thầu có tiến độ thi công chậm nhất là XL4A, gói thầu có tiến độ nhanh nhất là XL06.
Đối với vướng mắc về vật liệu, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho hay, khối lượng đất đắp còn thiếu tập trung trên khoảng gần 1km chiều dài tại gói thầu XL02 và hơn 1km tại gói thầu XL04A (chủ yếu là các khu vực cầu).
Giải quyết khối lượng đất đắp còn thiếu, chủ đầu tư đã đề xuất 3 mỏ; trong đó, 1 mỏ phục vụ thi công gói thầu XL04A và 2 mỏ phục vụ gói thầu XL02 nhưng hồ sơ đã bị cấp có thẩm quyền địa phương trả lại và thông báo chưa giải quyết vấn đề này. Mốc thời gian cụ thể về việc cấp phép các mỏ đất cho dự án cũng chưa được xác định.
Trước thực trạng trên, chủ đầu tư, nhà thầu đã xin tận dụng vật liệu dư từ một số dự án khác nhưng chưa được cấp cơ sở thống nhất.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 nhìn nhận, theo tính toán, để đáp ứng tiến độ hoàn thành đồng bộ dự án theo yêu cầu, vật liệu đất đắp cho gói thầu XL02 cần thiết có càng sớm càng tốt. Với gói thầu XL04A, chậm nhất trong tháng 10/2023, vướng mắc vật liệu cần được khơi thông.
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành thành nâng cấp khoảng 127 km Quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27 - 35 km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD.
Trong đó, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD…