Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đang triển khai. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn thành bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh; phối hợp với địa phương tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án, phạm vi giải phóng mặt bằng và thu thập thông tin của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để triển khai đo đạc, kiểm đếm. Hiện nay, địa phương đang tiến hành đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất và thực hiện các thủ tục phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất của dự án năm 2024.
Về tình hình triển khai thiết kế kỹ thuật, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận ký hợp đồng tư vấn triển khai thiết kế kỹ thuật vào tháng 5/2024. Liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật đã hoàn thành 100% việc khảo sát và trình báo cáo giữa kỳ ngày 10/6, cố gắng hoàn thiện báo cáo cuối kỳ vào 30/6. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp xin ý kiến góp ý về nội dung báo cáo giữa kỳ để đảm bảo tính thống nhất về giải pháp thiết kế trong quá trình thực hiện dự án.
Nhu cầu về cát cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 khoảng 3,1 triệu m3. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp cung cấp thông tin những mỏ cát dự kiến bố trí cho dự án để đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát và hoàn thiện hồ sơ khảo sát vật liệu của dự án; hướng dẫn những thủ tục thực hiện cấp quyền khai thác cát theo cơ chế đặc thù để có cơ sở triển khai.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết thêm, dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (nước ngọt quanh năm) không thuộc các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Vì vậy, việc đề xuất sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh là chưa thật sự phù hợp với hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
Để triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của dự án; ban hành kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng (bao gồm kế hoạch thu hồi đất và kế hoạch di dời công trình hạ tầng kỹ thuật) đảm bảo bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng cho dự án để khởi công xây dựng trong tháng 12/2024; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm góp ý đối với hồ sơ báo cáo giữa kỳ về thiết kế kỹ thuật của dự án.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải kế hoạch triển khai Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh với một số mốc chính như phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các gói thầu xây lắp trước 21/8/2024; tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát trước ngày 20/12/2024; bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trước ngày 23/12/2024; khởi công Dự án dự kiến vào ngày 25/12/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho hay, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 là một trong những công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Những công trình trọng điểm được giao cho các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách giám sát, thường xuyên họp để nắm tình hình và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc nếu có.
Ông Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và có hướng giải quyết trong thời gian tới; đồng thời, đề nghị đơn vị tập trung chuẩn bị, thực hiện hoàn thành những điều kiện cần thiết nhằm phấn đấu khởi công dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh trong tháng 12/2024. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần xây dựng chi tiết về lộ trình, phương thức triển khai dự án; sớm có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng…, giúp chính quyền địa phương, các đoàn thể có cơ sở để tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhanh dân.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có tổng chiều dài 26,6 km, bề rộng nền đường 17m. Điểm đầu của cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh kết nối với Quốc lộ N2, thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười và điểm cuối tại nút giao An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh. Tổng mức đầu tư dự án là 6.127,819 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị gần 3.540,5 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng trên 969 tỷ đồng. Vốn đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.