“60% số mẫu táo, lê kiểm tra phát hiện thấy chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng mức này ở trong ngưỡng giới hạn cho phép theo quy định ở Việt Nam”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng đã phát biểu như trên với báo chí bên lề Hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn” do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua (26/6), tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Theo số liệu phân tích mới nhất được tổng hợp lại, có khoảng 60% số mẫu táo, lê lấy kiểm tra có phát hiện thấy chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng hàm lượng thấp và trong ngưỡng giới hạn cho phép ở Việt Nam. Trên thị trường hoa quả ở Việt Nam hiện nay khoảng 70% lượng táo và lê là nhập khẩu từ Trung Quốc.
´Năng lực kiểm nghiệm độ an toàn rau củ của chúng ta có thể tin cậy đến đâu, thưa ông?
Hoàn toàn có thể tin cậy được. Các phòng thí nghiệm làm công tác kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn ISO và bên cạnh việc nhập khẩu thì Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nông sản đi khắp thế giới. Tất cả các lô hàng nhập đều được chúng ta kiểm tra, nếu chất lượng có vấn đề thì chúng ta lập tức cho tái xuất. Thậm chí bên nước bạn yêu cầu có người của họ được tham gia quá trình này, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận để hai bên cùng tham gia quá trình chứng nhận. Trường hợp 40.000 tấn ngô của Ấn Độ bị yêu cầu tái xuất trước đây, Ấn Độ cử cả đoàn chuyên gia sang cùng chúng tôi xác nhận kết quả. Nếu năng lực của mình không đáp ứng được yêu cầu thì phía bạn chắc chắn sẽ không đồng tình với kết quả như vậy.
Táo Trung Quốc cũng như rau quả của Trung Quốc và các nước khác nhập vào Việt Nam đều qua kiểm tra, kiểm soát theo quy định của Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Nếu an toàn thì mới được bán ở thị trường Việt Nam. Khi có sự cố tương tự như vụ việc về táo Trung Quốc bọc bằng túi tẩm thuốc bảo vệ thực vật vừa qua thì chúng tôi kiểm tra tăng cường và kiểm tra bổ sung thêm một số chỉ tiêu hoạt chất khác.
Chúng tôi lấy mẫu từ những xe hàng trên cửa khẩu về phân tích. Nếu phát hiện thấy những tiêu chí vượt ngưỡng so với quy định của Việt Nam thì yêu cầu tái xuất, không cho đưa ra thị trường. Ví dụ, năm 2011 chúng ta đã cho tái xuất 50.000 tấn ngô và đậu tương. Năm nay đã tái xuất hơn 20.000 tấn, ngay tuần trước vừa tái xuất 6.300 tấn, khi phát hiện thấy có mọt TG.
Việc này (trồng táo có sử dụng túi tẩm hóa chất) không phải đại trà ở Trung Quốc mà chỉ là một số người ở vùng Sơn Đông (Trung Quốc) làm. Hơn nữa, các nhà chức trách Trung Quốc cũng nói rằng việc đó là vi phạm pháp luật của Trung Quốc và họ cũng đã xử lý.
´Thưa ông, hiện nay chúng ta đã tổ chức sang tận Trung Quốc để kiểm tra quy trình sản xuất của bạn hay chưa?
Theo Thông tư 13, chúng ta phải làm như thế và chúng tôi đã bắt đầu đi kiểm soát tại nguồn cung cấp để xem phía Trung Quốc có thực hiện các kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của Việt Nam hay không.
Cục Bảo vệ thực vật và Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của Bộ đã trình Bộ trưởng cử một đoàn làm việc sang Trung Quốc và chúng tôi cũng đã làm việc với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản dự thảo một văn bản đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc trả lời về việc xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm trên các nông sản Việt Nam nhập nhiều của Trung Quốc. Sắp tới, việc này sẽ được tiếp tục.
´Từ câu chuyện về táo Trung Quốc, liệu các loại trái cây khác có nguy cơ bị nhiễm độc không, thưa ông?
Tất cả các loại trái cây đều có thể nhiễm chất độc. Thời gian hình thành quả đến lúc chín của các loại quả nho, táo, lê rất dài. 5 tháng trời ở trên cây, nguy cơ sâu bệnh rất nhiều nên nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là tất yếu. Còn việc phát hiện thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức độ thấp không có nghĩa là do họ sử dụng trực tiếp mà có thể do chất này tồn dư trong đất.
Các loại quả nhập khẩu vào nước ta được chở bằng tàu biển, ô tô, một xe đó về có thể cung cấp cho hàng chục siêu thị. Với trường hợp này, chúng tôi tiến hành tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu.
´Thưa ông, thông tin về việc táo Trung Quốc tẩm hóa chất vừa qua đang làm người tiêu dùng lo lắng. Ông có lời khuyên nào cho người dân?
Việc quan tâm lo lắng của người dân đối với vấn đề an toàn thực phẩm là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng và hoang mang. Bởi vì hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ đang thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định của Nhà nước, kể cả đối với các sản phẩm do chúng ta sản xuất và sản phẩm nhập khẩu.
Người dân nên chọn mua các loại thực phẩm từ những cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, ở đó các nông sản được bán có nguồn gốc xuất xứ. Đó cũng là nơi các cơ quan quản lý nhà nước liên tục kiểm tra kiểm soát. Hai là, lựa chọn những loại thực phẩm an toàn hơn cho mình. Ví dụ, ở Mỹ, người ta đưa danh mục 12 loại thực phẩm có nguy cơ cao nhất trong đó có táo, nho, lê, anh đào... khuyến cáo người dùng phải cẩn thận. Họ cũng đưa danh mục 15 loại thực phẩm an toàn nhất để người dân chọn. Thứ ba, vẫn phải chú ý trong quá trình sơ chế. Ví dụ, đối với những loại rau có thể tách bóc các lớp vỏ bên ngoài thì nên rửa sạch, bóc sạch lớp ngoài bỏ đi, thậm chí có loại còn khuyến cáo chần qua nước sôi 30 giây đến 1 phút thì sẽ loại bỏ được nhiều nguy cơ. Các biện pháp đó giúp người tiêu dùng bảo đảm an toàn hơn cho mình.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Minh (ghi)