Theo đó, dự thảo quy định Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ, bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện.
Cụ thể, là phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Hiện nay, Thông tư 03/2021 đang quy định thời điểm là trước ngày 10/6/2020.
Bên cạnh đó, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021 như Thông tư 03 hiện nay.
Ngoài ra, số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp gồm số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành (thay vì ngày 17/5/2021).
Dự thảo Thông tư cũng quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/06/2022, thay vì 31/12/2021 như Thông tư 03 hiện nay.