Đây là dịp để huyện Tu Mơ Rông quảng bá đến bạn bè trong và ngoài tỉnh một số loại dược liệu của địa phương, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Tu Mơ Rông với các đối tác trong và ngoài tỉnh, nhằm giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, diễn đàn là cơ hội để mở ra hướng đi mới đối với việc phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu tại Tu Mơ Rông. Các sản phẩm tạo ra không chỉ là sinh kế của người dân, mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy tối đa lợi thế tiềm năng về điều kiện tự nhiên, tính đặc sắc và văn hóa của địa phương, đa dạng hóa các loại hình du lịch, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu đặc hữu. Nếu có phương pháp tiếp cận đúng và chiến lược đồng bộ, những khó khăn, thách thức trong phát triển Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch sẽ có lời giải với hiệu quả cao.
"Ngoài ra, với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan đặc trưng là những cánh rừng nguyên sinh, với nhiều thác, suối tự nhiên vẫn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có, các di tích lịch sử, những chứng tích còn lại trong các cuộc kháng chiến, cùng giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số được gìn giữ, giúp huyện Tu Mơ Rông có tiềm năng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Do đó, lãnh đạo các cấp chính quyền huyện Tu Mơ Rông, các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục tìm kiếm cơ hội và hướng đi phù hợp, sớm đưa việc phát triển sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch của huyện Tu Mơ Rông trở thành hiện thực; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn", ông Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh.
Là địa phương có hơn 2/3 diện tích là rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt gần 70%, huyện Tu Mơ Rông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại dược liệu đặc hữu, nhất là sâm Ngọc Linh. Hiện, huyện Tu Mơ Rông đã trồng được khoảng 1.200 ha sâm Ngọc Linh. Dự kiến, mỗi ha sâm Ngọc Linh trồng sau 10 năm có thể thu về lợi nhuận trên 5 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, dù có tiềm năng, lợi thế lớn về rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu và du lịch, tuy nhiên để phát huy được chuỗi kinh tế này và giúp đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo hướng tới làm giàu, đưa huyện Tu Mơ Rông phát triển bền vững là câu chuyện còn nhiều vấn đề chưa được bàn thấu đáo, chưa có giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược.
Vì vậy, diễn đàn là dịp để huyện được nghe ý kiến tham gia, chia sẻ những kinh nghiệm giải pháp để tiếp tục hoàn thiện các chương trình, giải pháp của mình, đảm bảo đủ tầm, có chiến lược và có bước đi hoàn thiện hơn trong thời gian tới. Qua đó, giúp huyện Tu Mơ Rông trở thành Trung tâm Dược liệu của tỉnh Kon Tum, góp phần đưa Kon Tum thành trung tâm dược liệu cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, trình bày tham luận về việc phát triển dược liệu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khách quan, lấy người dân làm gốc, lấy thị trường làm nền tảng; phát huy lợi thế rừng, dược liệu, chăn nuôi và du lịch tại địa phương; tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển thành hàng hóa, giá trị kinh tế, giá trị tinh thần; có cơ chế, chính sách đầu tư nghiên cứu giống dược liệu địa phương nâng cao năng suất chất lượng có giá trị y tế và kinh tế cao.
Dịp này, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.