Theo đó, qua nắm thông tin của một số cơ quan báo chí về dự án vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG), để kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các dự án, mô hình liên quan đến việc phát triển sâm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông rà soát, nắm bắt thông tin về dự án này đang triển khai trên địa bàn huyện Kon Plông. Đồng thời, yêu cầu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 22/3/2022.
Trước đó, ngày 26/1, TTXVN, báo Tin Tức, Bnews, Viet Namplus có bài viết “Bánh vẽ” với thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh phản ánh việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG, trụ sở tại Hà Nội) với dự án MHG Farm trồng sâm Ngọc Linh tại Măng Đen (huyện Kon Plông). Đây là “bánh vẽ” của công ty để lừa các nhà đầu tư, người tiêu dùng.
Đến ngày 2/3, TTXVN tiếp tục có bài viết Cần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc linh. Theo đó, mới thành lập từ năm 2017, năm 2021 trồng 30.000 cây (như công ty công bố) nhưng đến nay, Công ty MHG đã giới thiệu và bán hơn 20 dòng sản phẩm gắn mác sâm Ngọc Linh gồm: trà, cà phê, bánh kẹo và nhiều loại thực phẩm khác... Đặc biệt, Công ty MHG đã xây dựng chuỗi 14 hệ thống showroom tại hàng loạt tỉnh thành để giới thiệu và cung ứng các loại sản phẩm sâm Ngọc Linh. Trong khi thực tế, tại tỉnh Kon Tum, Công ty MHG hoàn toàn không có trồng sâm Ngọc Linh, đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng. Dự án của công ty chỉ là bánh vẽ để kêu gọi các nhà đầu tư.
Tại tỉnh Quảng Nam, Công ty MHG trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My là không chính xác. Công ty MHG chưa có đặt vấn đề, chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Có thể khẳng định Công ty MHG chưa có vườn sâm Ngọc Linh nào đủ tuổi khai thác, chế biến được trồng tại 2 địa phương nằm trong khu vực chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh là Kon Tum và Quảng Nam.