Xanh, hiệu quả, sạch, đó là nguồn năng lượng từ Nhà máy điện gió Phú Lạc hướng tới khi đi vào hoạt động tại Bình Thuận. Ở giai đoạn 1, nhà máy điện gió Phú Lạc có 12 tua-bin với 12 trụ điện gió, công suất 2 MW/tua-bin. Mỗi trụ tua-bin cao 90 m, đường kính trụ 4m, bên trong có cầu thang tự động lên xuống để bảo trì.
Đây là dự án điện gió được đầu tư thiết bị thuộc diện hiện đại mới nhất của thế giới. Dự án với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng được vay từ Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) với sự bảo trợ của chính phủ hai nước. Toàn bộ thiết bị của nhà máy được nhập của hãng Vestas (Đan Mạch) và HBB của Thụy Điển.
Dự kiến, trong thời gian đầu chuyển giao công nghệ, nhà máy sẽ hoạt động với sự hỗ trợ về mặt tổ chức và kỹ thuật của các đối tác Đức. Việc hoàn thành dự án nhà máy điện gió Phú Lạc là một bước tiến quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng hàng năm bằng nguồn năng lượng xanh. Năng lượng xanh là một trong những trọng tâm trong hợp tác phát triển giữa 2 quốc gia Việt Nam và Đức.
Ðiện gió được xem là nguồn năng lượng sạch vì trong quá trình sản xuất không phát thải các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác, điện gió là nguồn năng lượng của tương lai sẽ dần thay thế các dạng năng lượng truyền thống. Lí do nhiều nhà đầu tư chọn Bình Thuận bởi nơi đây có gió lớn quanh năm, ít bão, nhiều khu vực có ngọn đồi cao, vận tốc gió có thể đạt tới 7 m/giây (theo thiết kế, với tốc độ gió 3m/giây thì cánh quạt khởi động, tua bin sẽ phát điện).
Theo ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Tỉnh luôn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư điện gió như: hỗ trợ đất đai, thuế, các ưu đãi khác… Đến nay toàn tỉnh có 19 dự án điện gió đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn để phát triển điện gió của tỉnh chính là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều dự án vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài bởi cả Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, hầu như chưa có một cơ sở đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên về điện gió.