Đường ngoại giá rẻ tấn công, đường nội kêu cứu

Gần một nửa số nhà máy đường phải đóng cửa, người trồng phá mía trồng cây khác, có nơi diện tích trồng mía giảm đến 40%. Chưa bao giờ vấn đề của ngành mía đường lại nóng như hiện nay.

Khó từ trong ra ngoài

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cả nước hiện tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, nhiều nhất là mía đường Sơn La tồn kho gần 40.000 tấn đường, mía đường Tuy Hòa tồn 15.000 tấn... Tổng cộng, đã có 17/36 nhà máy đường thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Chú thích ảnh
Nông dân trồng mía Tây Ninh chăm sóc mía nguyên liệu vụ 2019 - 2020. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Nguyên nhân chính khiến ngành mía đường Việt Nam bị “bức tử” ngay trên sân nhà là do đường nhập lậu và cả đường chính ngạch từ Thái Lan được Chính phủ nước này trợ giá ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Nếu như trước đây, con số đường nhập lậu ước tính chỉ từ 100.000 – 350.000 tấn/năm, thì từ vụ 2015 – 2016, đường lậu và gian lận thương mại xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan với quy mô lớn qua Campuchia và Lào vào Việt Nam với khối lượng lên đến trên 800.000 tấn/năm. Tình trạng nhập lậu đường diễn biến ngày càng phức tạp, hoạt động công khai, số lượng lớn có nguy cơ hủy diệt ngành mía đường trong nước.

Ngoài ra, một số lượng lớn đường nhập dùng chiêu "tạm nhập" nhưng “không tái xuất” khiến đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh, tồn kho ngày một lớn. Có doanh nghiệp nhập đường thô về tinh luyện để tiêu thụ nội địa mà không xuất khẩu khiến đường trong nước càng thêm khó khăn.

Chưa hết, từ ngày 1/1/2020 tới, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) về xóa bỏ thuế quan sẽ có hiệu lực, điều này càng khiến các doanh nghiệp mía đường và người trồng mía tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng hơn, nhiều nhà máy có nguy cơ phá sản.

Theo tính toán, nếu năm 2020 thực hiệp Hiệp định ATIGA, đường nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20%, doanh nghiệp đường trong nước khó cạnh tranh nổi.

Sẽ có 36 nhà máy đường đang hoạt động chịu tác động trực tiếp, 33 vạn hộ nông dân chịu tác động lớn. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh được. Do đó, VSSA kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thêm thời hạn bỏ thuế suất từ 3 - 5 năm.

Có nên trì hoãn thời hạn thực hiện ATIGA?

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký VSSA, hiện nhiều nước có ngành mía đường đều có chính sách bảo hộ bằng trợ giá.

“80% giá thành sản xuất đường là từ mía, trong đó, số tiền doanh nghiệp các nước bỏ ra để mua nguyên liệu được Chính phủ hỗ trợ một phần nên dù bán đường với giá rẻ, doanh nghiệp vẫn lãi. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam phải tự mua mía hoàn toàn nên chi phí bỏ ra để sản xuất mía nhiều hơn. Khi giá mía thế giới thấp, doanh nghiệp phải chịu lỗ”, ông Lộc phân tích.

Chú thích ảnh
Giá thu mua mía nguyên liệu giảm 100 đồng/kg, lượng đường tồn kho lớn, vùng nguyên liệu bị thu hẹp đang đẩy cả doanh nghiệp và người trồng mía ở tỉnh Tuyên Quang đứng trước khó khăn. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Tại Thái Lan, nước sản xuất đường cạnh tranh với Việt Nam, Chính phủ quy định giá bán đường và giá mua mía, nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trồng mía. Trong trường hợp giá thấp hơn dự đoán, người trồng mía không phải trả lại thâm hụt, các nhà máy được bù đắp bởi quỹ mía đường do nhà nước điều hành.

Đại diện VSSA nhận định, hội nhập là tất yếu, nhưng cạnh tranh đang bất bình đẳng bởi đường các nước được trợ giá, nhập lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát. Ngành mía đường nước ta đang bị đẩy vào thế kh. Hiệp hội đề xuất Chính phủ tạm hoãn thực thi cam kết ATIGA để có đủ thời gian đánh giá chính xác, toàn diện và chuẩn bị hội nhập.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ như năng lực cạnh tranh của ngành mía đường, chống buôn lậu, gian lận thương mại… thì việc gia hạn thực thi hiệp định ATIGA chưa chắc đã giúp ngành mía đường vượt qua khó khăn.

Bên lề hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51 (AEM 51) và các hội nghị liên quan tại Bangkok mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã kiên trì thuyết phục ASEAN kéo dài thời gian thực thi ATIGA nhằm gỡ khó cho ngành đường. Các nước ASEAN đã linh hoạt kéo dài thời hạn thực thi hiệp định thêm 2 năm, từ 1/1/2018 đến 1/1/2020, việc tiếp tục lùi thời hạn ATIGA không phải việc đơn giản.

Theo cam kết trong ATIGA, lẽ ra Việt Nam phải xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN từ ngày 1/1/2018, tuy nhiên, do tình hình khó khăn của ngành đường trong nước, Việt Nam đã kiên trì thuyết phục các nước ASEAN cho phép trì hoãn việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với đường thêm 2 năm để có thêm thời gian chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập.

“Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng đề nghị Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết kể từ ngày 1/1/2020 vì các nước đã dành linh hoạt hết mức cho Việt Nam trong khi tất cả các nước ASEAN khác đã thực hiện cam kết xoá bỏ hạn ngạch thuế quan với đường. Các nước lưu ý nếu Việt Nam không thực hiện cam kết đúng thời hạn trên thì các nước có thể xem xét biện pháp trả đũa”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Do vậy, bên cạnh việc “kêu cứu” hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành thì bản thân ngành mía đường cũng phải tự lực vươn lên, thay đổi phương thức sản xuất để đủ sức cạnh tranh; bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng cần đẩy mạnh hơn nữa.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Tìm lại 'vị ngọt' cho đường ở các tỉnh Nam Trung bộ - Bài cuối: Để vực dậy ngành mía đường
Tìm lại 'vị ngọt' cho đường ở các tỉnh Nam Trung bộ - Bài cuối: Để vực dậy ngành mía đường

Trong cơ cấu phát triển trồng trọt ở khu vực Nam Trung bộ, cây mía vẫn được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, nhất là tại miền núi. Phải làm gì để vực dậy ngành mía đường? Đó không còn là câu hỏi dành riêng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia kinh tế, nhà máy đường hay nông dân… Hơn lúc nào hết, tất cả cần phải có sự đồng lòng để tháo gỡ những khó khăn, từ đó tìm lại “vị ngọt” cho ngành đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN