“Hiện các đoàn tàu đang chạy thử ở các khu vực như: đường thử tàu tại Depot, khu gian ga, xưởng kiểm tu… để căn chỉnh đơn động các thiết bị. Sau giai đoạn vận hành thử đơn động, liên động sẽ vận hành thử đoàn tàu trên toàn tuyến vào tháng 8/2018”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm.
Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ. Những ngày gần đây, các đoàn tàu đã được chạy thử nghiệm đơn động trên đường thử tại Deopot.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án sẽ vận hành thử nghiệm toàn tuyến vào tháng 8/2018, sớm hơn 1 tháng so với dự kiến trước đây, để sớm đưa dự án vào vận hành chính thức.
Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án đến nay đã hoàn thành khoảng 96% khối lượng xây lắp (chưa gồm hạng mục thiết bị) và đang triển khai các hạng như hoàn thiện cầu thanh lên xuống các nhà ga, đường nội bộ, kiến trúc khu Depot, đấu nối thoát nước khu gian ga đường Vành đai 3. Đến nay tổng thầu đã đưa toàn bộ các đoàn tàu và khoảng 95% vật tư, thiết bị đã được đưa về công trường, trong đó đã hoàn thành lắp đặt khoảng 79%.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.