Mặc dù theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), dự án hiện đã đạt 94% giá trị xây lắp, nhưng mốc tiến độ trên vẫn khó đạt được, nếu việc giải ngân 250,6 triệu USD vốn bổ sung tiếp tục bị chậm trễ.
Tháng 6/2017, nhà ga La Khê đầu tiên thuộc dự án đã cơ bản hoàn thành và mở cửa đón người dân Thủ đô tham quan ga, đoàn tàu mẫu của dự án, nhưng nhiều nhà ga khác của dự án hiện vẫn còn thi công ngổn ngang.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông |
Thời gian qua, Bộ GTVT đã nhiều lần giải trình với Bộ Tài chính, Tư pháp và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để đàm phán các điều khoản liên quan đến pháp lý của 2 nước. Bộ GTVT cho rằng, cần có sự khẩn trương, quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục để khơi thông nguồn vốn 250,62 triệu USD cho dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn phải chờ vốn.
Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt, đích vận hành thử vào tháng 10/2017 và khai thác thương mại trong năm 2018 không còn dài, đòi hòi các nhà thầu, hạng mục dự án phải tập trung cao độ để hoàn thành tiến độ từng tuần, hàng tháng. Nhưng nếu thiếu vốn giải ngân sẽ rất khó để hoàn thành tiến độ các hạng mục. Việc chậm trễ, vướng mắc nguồn vốn giải ngân hiện chủ yếu liên quan đến vấn đề thủ tục.
Cụ thể, dự án sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc gồm: Vay tín dụng ưu đãi Chính phủ 1,2 tỷ Nhân dân tệ, vay tín dụng ưu đãi bên mua 250 triệu USD và vay tín dụng ưu đãi Chính phủ (bổ sung) 250,62 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay bổ sung 250,62 triệu USD mới đang được các Bộ Tư pháp, Tài chính kiểm tra, xem xét và làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đang bám sát, làm cầu nối trao đổi giữa các bộ, ngành trong nước và ngân hàng Trung Quốc để kịp thời báo cáo các vướng mắc, thúc đẩy hiệp định vay vốn có hiệu lực sớm nhất.