Đội vốn, chậm tiến độ
Công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án gây bức xúc về tình trạng chậm tiến độ và đội vốn của ngành giao thông.
Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2008, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên đến nay, sau khi tính toán điều chỉnh lại cũng như trượt giá và rất nhiều nguyên nhân khác, dự án đã bị tăng thêm 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Nhà thầu đang tập trung thực hiện công đoạn ghép nối phiến dầm, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Nguyên nhân chủ yếu là do việc thay đổi khu Depot (khu điều hành Trung tâm nhà ga) từ 2 tầng thành 3 tầng vì không giải phóng được mặt bằng, nên phải tăng chiều cao, bớt chiều rộng; bổ sung thêm các hạng mục xử lý nền đất yếu khu nhà ga; bổ sung thêm hạng mục đường tránh quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu thành vỏ thép inox, bởi nếu không điều chỉnh thì phải xây dựng một nhà máy để chuyên sơn vỏ tàu; bổ sung chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí bãi đúc dầm; công tác nghiệm thu thiết bị vận hành đoàn tàu; chi phí giải phóng mặt bằng, trượt giá vật liệu...
Bên cạnh nguyên nhân tăng vốn, việc Tổng thầu EPC Trung Quốc, nhà thầu chính thi công dự án nhiều lần chây ì vận chuyển thiết bị, máy móc, tập trung nhân lực thi công, chậm giải ngân vốn... cũng đã khiến dự án phải lùi, hoãn, giãn tiến độ nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân quanh các khu vực dự án và giao thông nơi có dự án đi qua.
Không để chậm trễ hơn nữa
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ phải hoàn thành và đưa vào khai thác ngay trong năm 2016.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT đã cử Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường dẫn đầu sang làm việc với Tổng thầu EPC Trung Quốc và “chốt” tiến độ năm 2016 sẽ đưa đoàn tàu vào khai thác thương mại. Báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT), đến tháng 11/2015, khối lượng chung dự án hiện đã hoàn thành khoảng 66%, công tác giải ngân đạt khoảng 50%. Trong đó, đã hoàn hiện 419 trụ tàu khu gian, 100% trụ nhà ga, hoàn thành 81/112 xà mũ nhà ga, đúc dầm được 610/806 phiến. Đặc biệt, việc đúc dầm đã được đẩy lên 2 phiến/ngày so với trước kia là 4 ngày/phiến. Chậm nhất hiện nay là công tác lao lắp dầm, hiện vẫn chỉ dừng lại ở con số 494 dầm/806 phiến.
Tuyến đường đô thị nối liền TP Hà Nội với quận Hà Đông đi qua 12 ga, bao gồm: Cát Linh, Đê La Thành, Thái Hà, Đường Láng, Ngã tư Sở, Đại học Khoa học tự nhiên, Vành đai 3, Thanh Xuân, Bến xe Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Hà Đông. Tuyến này hoạt động từ 5 - 22 giờ hàng ngày, kể cả ngày lễ. |
Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt Lê Kim Thành cho biết: Tiến độ dự án đã được đẩy nhanh hơn, nhưng một số hạng mục như lao lắp dầm, thi công hạng mục các nhà ga vẫn chậm. Trong đó, ga Cát Linh và hạng mục khu Depot sẽ chậm từ 2 - 3 tháng so với tiến độ chung của các nhà ga phải hoàn thành vào tháng 6/2016.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, sau khi làm việc với Tổng thầu EPC Trung Quốc, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng thầu EPC lập lại tiến độ tổng thể và chi tiết điều chỉnh, trong đó phải lao lắp xong 806 phiến dầm trước ngày 31/1/2016; hoàn thiện 9 nhà ga trong quý I/2016; riêng 3 nhà ga Cát Linh, ga Vành đai 3 và Văn Khê sẽ hoàn thiện vào tháng 6/2016. Nhà ga mẫu La Khê phải hoàn thiện vào 30/12/2015 để người dân tham quan.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng chia sẻ: Thực tế hiện nay, một số hạng mục của dự án nhà thầu phụ chưa làm việc hết mình. Mặt bằng dự án đã “sạch”, kinh phí đã được giải ngân, không còn lý do gì để chậm trễ nữa. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ GTVT, TP Hà Nội, các địa phương, cùng hàng triệu người dân Thủ đô. Dự án này kéo dài thêm ngày nào, thì người dân trên trục đường dự án đi qua khổ thêm ngày đó. Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ phải thi công cả ngày lẫn đêm, tăng cường kiểm tra hiện trường để tháo gỡ khó khăn trực tiếp.
“Tới 30/6/2016, dự án phải cơ bản hoàn thiện phần xây lắp, chỉ trừ một số hạng mục như khu Depot và một phần ga Cát Linh; 30/9/2016 phải chạy thử đoàn tàu và cuối năm 2016 phải chính thức vận hành khai thác”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.